Multimedia Đọc Báo in

Những tín hiệu lạc quan cho du lịch Đắk Lắk

07:02, 01/09/2019

Ngành du lịch Đắk Lắk đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức để tăng tốc trong thời gian tới. Việc nhận diện và đề ra những giải pháp căn cơ giúp ngành kinh tế quan trọng này phát triển bền vững, hiệu quả đã và đang được các cơ quan chức năng nhận thức đầy đủ, kịp thời bằng những quyết sách cụ thể, mang tính đột phá nhằm hiện thức hóa lộ trình đặt ra từ nay cho đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Từ những động thái tích cực...

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2017 đến nay, nhiều chương trình, đề án liên quan đến phát triển ngành du lịch đã được các ban, ngành, đơn vị hữu quan tham mưu, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo hành lang pháp lý vững chắc và thông thoáng cho cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này thực hiện nhiệm vụ, ý tưởng của mình trên các mặt giám sát, xúc tiến quảng bá và chiến lược kinh doanh.

Khu du lịch Ko Tam thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của du khách.  Ảnh: H. Gia
Khu du lịch Ko Tam thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: H. Gia

Có thể kể đến là việc kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh và các huyện trọng điểm; phân cấp quản lý, xếp hạng các khu - điểm du lịch trên địa bàn; thống nhất quy định về vấn đề vệ sinh, môi trường và an toàn tại khu - điểm du lịch, cơ sở lưu trú và dịch vụ đính kèm; khảo sát để xây dựng các tour - tuyến du lịch tiềm năng nhằm mở rộng, kết nối không gian kinh tế du lịch trên toàn vùng; rà soát, đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên (đất, rừng) một cách hợp lý, hiệu quả phục vụ mục tiêu phát triển; tăng cường giải pháp bảo tồn vốn văn hóa truyền thống để dần hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, bền vững; mới đây là Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới…

Có thể nói, tất cả những động thái tích cực đó là “cú hích” trực tiếp và mạnh mẽ giúp ngành “công nghiệp không khói” ở đây khởi sắc và có những bước tiến đáng ghi nhận trong lộ trình, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là đón hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu đạt 850 tỷ đồng và đến năm 2030, con số này sẽ tăng gấp đôi.

Không gian du lịch hồ Lắk sẽ được mở rộng nhờ các dự án đầu tư vào đây và trở thành điểm đến nổi bật của du lịch Đắk Lắk. Ảnh: H. Hùng
Không gian du lịch hồ Lắk sẽ được mở rộng nhờ các dự án đầu tư vào đây và trở thành điểm đến nổi bật của du lịch Đắk Lắk. Ảnh: H. Hùng

Đến chuyển biến sâu rộng

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch 6 tháng cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đánh giá: Trên các mặt quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển quy mô, năng lực quản lý, kinh doanh, liên kết xúc tiến, quảng bá sản phẩm và thu hút đầu tư vào ngành kinh tế quan trọng này đã có những chuyển biến sâu rộng, tạo sức bật mạnh mẽ cho toàn ngành, đạt mức tăng trưởng ấn tượng, bình quân từ 22 - 25% giai đoạn 2016 - 2020.

Các tác phẩm điêu khắc dân gian là sản phẩm du lịch độc đáo.
Các tác phẩm điêu khắc dân gian là sản phẩm du lịch độc đáo.
 
“Vấn đề quy hoạch chi tiết cho các vùng du lịch trọng điểm như TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Lắk, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng và Krông Ana… đang được UBND tỉnh quan tâm triển khai, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các dự án đã được cấp phép trên địa bàn”.
 
(Báo cáo của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh)

Đặc biệt là trong thu hút đầu tư, ông Nguyễn Sơn Hưng - Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL) cho rằng, nhờ những động thái trên mà đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến đăng ký, triển khai một loạt dự án, công trình phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Trong đó một số dự án có tính khả thi cao, quy mô lớn được tỉnh quan tâm như Khu du lịch văn hóa - sinh thái dọc sông Sêrêpốk (huyện Buôn Đôn); Khu nghỉ dưỡng cao cấp hồ Lắk (huyện Lắk); Cụm Du lịch sinh thái thác Gia Long - Dray Nur (huyện Krông Na); Khu du lịch văn hóa - sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) và Đồi cảnh quan Cư H’lâm (huyện Cư M’gar). Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Đắk Lắk đã thu hút thêm 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với những tên tuổi lớn như Tập đoàn FLC, Vingroup và Công ty Cổ phần Du lịch Hiểu về trái tim…

Những dự án của các nhà đầu tư trên bao gồm: Tổ hợp khu vui chơi, giải trí và sân golf Hồ Ea Nhái (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc); Khu nghỉ dưỡng, sinh thái hồ Lắk (xã Yang Tao, huyện Lắk); Khu du lịch nghỉ dưỡng Thiền tại Vườn Quốc gia Cư Yang Sin (huyện Krông Bông); Tổ hợp nhà nghỉ - sân golf 18 lỗ hồ Ea Kao và Khu biệt thự sinh thái Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Có thể nói đây là những dự án tầm cỡ, góp phần khẳng định hình ảnh và vị thế của ngành du lịch Đắk Lắk trên bản đồ du lịch cả nước trong tương lai không xa.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc