Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập ổn định từ mô hình trồng cây ăn trái

09:44, 29/10/2019

Tháng 6-2018, xem ti vi, đọc báo thấy nhiều người làm giàu nhờ thực hiện hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái, chị  Phạm Thị Thơm (ở thôn 7, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) quyết định chuyển đổi gần 2 sào ruộng không chủ động được nguồn nước, cho năng suất kém sang trồng 50 cây ổi lê, 20 cây dừa xanh lùn và 30 cây bưởi da xanh.

Các giống cây đều được chị mua tại cơ sở giống cây trồng có uy tín, thương hiệu tại miền Tây Nam Bộ.

Không chỉ tìm nguồn giống bảo đảm chất lượng, chị Thơm còn tìm hiểu đặc tính của mỗi loại cây trồng để bố trí cho phù hợp nhằm giúp cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao và phòng chống sâu bệnh hiệu quả. Theo đó, vườn cây được chị bố trí theo hình chữ U, chạy dọc bên ngoài là cây dừa, bên trong là bưởi và ổi, xung quanh là lối đi và rãnh thoát nước. Nhờ cách bố trí như vậy, dù ổi là cây ưa độ ẩm cao song 50 cây ổ của chị luôn xanh tốt, một năm cho thu hoạch từ 2 - 3 đợt, mỗi đợt từ 5 - 6 tạ với giá bán 20.000 đồng/kg.

Ngoài ra, bưởi da xanh và dừa cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch. Bên cạnh đó, chị Thơm còn trồng thêm 50 cây mít thái, 110 cây sầu riêng Dona, 60 cây bơ booth, bơ pin xen trong 6 sào vườn hồ tiêu. Những cây tiêu bị sâu bệnh, già cỗi cho năng suất thấp được chị chặt bỏ rồi trồng xen cây ăn trái. Trên diện tích 6 sào trồng cây ăn trái xen hồ tiêu, mỗi năm chị thu về 3 tấn hồ tiêu đen và gần 300 triệu đồng thu nhập từ cây ăn trái.

Chị Phạm Thị Thơm trong vườn cây ăn trái của gia đình.
Chị Phạm Thị Thơm trong vườn cây ăn trái của gia đình.

Theo chị Thơm, cây ăn trái dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư ít. Nếu kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì thu hồi vốn và làm giàu là không khó. Hiện nay thị trường rất ưa chuộng các loại trái cây nội địa, sản phẩm được thương lái vào tận vườn thu mua, nên không sợ “bí” đầu ra.

Chị Thơm cũng chia sẻ, để các loại cây ăn trái phát triển tốt và ra trái quanh năm, người trồng phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc như vun gốc, tỉa cành, cung cấp lượng phân bón cũng như lượng nước thích hợp; thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng bệnh phù hợp. Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cây.

Không chỉ trồng cây ăn trái, chị Thơm còn ươm giống cây trồng như bơ, sầu riêng… cung cấp nguồn cây giống cho bà con trong vùng… Chị Thơm cũng giúp đỡ hàng chục hộ gia đình khó khăn ở địa phương bằng các hình thức như: cung cấp giống cây trồng, trao đổi kinh nghiệm để giúp họ phát triển sản xuất.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.