Bức tranh sáng của nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang là xu hướng được nhiều người đón nhận, bởi nó không chỉ mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn trả về cho đất, nước, môi trường sống giá trị nguyên bản, những thứ vốn đã bị các chất hóa học lấy đi trong quá trình sản xuất.
Canh tác bền vững
Thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 40 tỉnh, thành phố có trồng trọt hữu cơ với tổng diện tích khoảng 23.400 ha; 24 tỉnh, thành phố có chăn nuôi gia súc, gia cầm (với tổng đàn 340.700 con) và nuôi trồng thủy sản hữu cơ, với tổng diện tích khoảng 134.800 ha.
Đắk Lắk có thế mạnh về phát triển nông nghiệp nhưng việc phát triển NNHC mới chủ yếu ở dạng mô hình. Tuy nhiên, nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả mang lại của NNHC. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, năm 2015 đã liên kết với nông dân để sản xuất cà phê hữu cơ, với quy mô ban đầu là 5 ha theo một quy trình chặt chẽ, từ phân tích đất đến nhu cầu dinh dưỡng để cho ra sản phẩm 100% hữu cơ.
Sản phẩm rau hữu cơ của Công ty TNHH nông nghiệp Nhất Thống được giới thiệu tại Hội nghị Phát triển nông nghiệp hữu cơ . |
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Dự án cà phê bền vững, vấn đề của nông dân khi tham gia là sợ nhất sản lượng giảm đồng nghĩa với thu nhập giảm, mà họ chưa để ý đến chất lượng. Sau khi thu hoạch, phân tích chất lượng sản phẩm cũng như dinh dưỡng trong đất thì kết quả cho thấy, chất lượng hạt rất tốt và dinh dưỡng trong đất cũng đã tăng lên. Đến nay công ty đã làm được 4 năm, với diện tích là 35 ha, đã chứng minh cho người nông dân thấy rằng, canh tác hữu cơ trả lại độ mùn cho đất thì giá trị mang lại không phải là sản lượng mà chính là giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như chất lượng canh tác nông nghiệp bền vững về môi trường, sức khỏe. Khi độ mùn trong đất tăng, bắt đầu giảm dần lượng phân bón để giảm chi phí sản xuất cho nông dân, sau 3 năm canh tác hữu cơ, các nông hộ đã giảm bón phân xuống còn 3 đợt thay vì bón 4 đợt như trước kia.
Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ có chứng nhận quốc tế được 3 năm, quy mô sản xuất gần 400 ha, với 150 loại rau củ quả, trái cây, thịt, trứng; tập trung ở 3 địa phương là TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Đắk Lắk (có gần 300 ha). Thị trường rau, củ, quả và thịt chủ yếu tiêu thụ trong nước, còn một số loại trái cây thì hướng tới thị trường xuất khẩu. Ông Phạm Hữu Thời, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, NNHC là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, bởi nó không chỉ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là được sử dụng các sản phẩm tuyệt đối an toàn cho sức khỏe mà hoạt động canh tác hữu cơ vừa giúp vườn cây tránh xa các loại hóa chất độc hại cho đất, nước, vừa giúp người lao động canh tác trong môi trường không độc hại.
Gia tăng giá trị cho sản phẩm
Hiện cả nước có 15% chợ, 30% trung tâm thương mại và siêu thị có kinh doanh sản phẩm hữu cơ, với giá bán cao từ 1,5-2 lần so với sản phẩm truyền thống cùng loại; có 85% sản phẩm hữu cơ tiêu thụ qua kênh bán lẻ; tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ hàng năm khoảng 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, Việt Nam hiện có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau quả hữu cơ sang thị trường Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thuỵ Điển, Trung Quốc, Mỹ… Tổng sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 260.000 tấn/năm, với giá trị khoảng 15 triệu USD. Một số mặt hàng như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu hữu cơ cũng bước đầu xuất khẩu thành công, dù sản lượng chưa nhiều…
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NNHC là hướng đi bắt buộc, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, do đó trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã có những đề xuất ưu tiên hỗ trợ cao hơn nữa kể cả về nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng và kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. |
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, từ năm 2017 công ty đã liên kết với 7 hộ, diện tích 10 ha để sản xuất cà phê theo hướng an toàn, trong đó có 3 ha chuyên về cà phê hữu cơ. Tuy mới khởi đầu nhưng giá trị mang lại vẫn cao hơn so với cách sản xuất truyền thống từ 1,5 - 1,7 lần. Sản phẩm cà phê hữu cơ được Công ty thu mua hết với giá cộng thêm 20.000 đồng/kg. Nhờ vậy, các hộ có động lực để tiếp tục canh tác theo hướng hữu cơ.
Vườn cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ ở thành phố Buôn Ma Thuột. |
Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Đắk Lắk có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển NNHC, tuy nhiên sản phẩm hữu cơ vẫn chưa nhiều. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sản xuất, doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu về NNHC, sản phẩm hữu cơ và việc đầu tư vào NNHC là một hướng đi đúng. Khi mọi người nhận thức đúng thì sẽ thúc đẩy NNHC phát triển, tuy nhiên cần phải có lộ trình phù hợp chứ không thể một sớm một chiều là làm được. Các địa phương cần lựa chọn những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ…
Lê Minh
Ý kiến bạn đọc