Multimedia Đọc Báo in

Chống hạn cho cây trồng bằng hồ nổi trữ nước

08:30, 28/05/2020

Xã Ea Khăl (huyện Ea H'leo)có gần 9.000 ha cây trồng các loại, với địa hình đồi dốc, tình trạng thiếu nước, khô hạn cục bộ thường xuyên xảy ra. Một số hộ dân đã xây dựng mô hình hồ nổi để trữ nước tưới cho vườn cây.

Đơn cử như gia đình ông Lê Bá Trung (ở thôn 8) canh tác 2 ha các loại cây ăn trái. Để bảo đảm đủ lượng nước tưới cho vườn cây trong mùa khô, đầu năm 2019 ông Trung thuê máy múc đào hồ, lót bạt chống thấm và cố định bằng hàng gạch bao quanh hồ để tránh nước mưa len vào vách ao gây xói lở bờ. Với lượng nước tích trữ gần 1.500 m3 được bơm từ hệ thống giếng khoan trong mùa mưa nên 2.000 cây trồng các loại của ông không bị thiếu nước trong cả mùa khô.

Ông Trung vui vẻ: “Mùa khô năm nay kéo dài hơn mọi năm, nhưng vườn cây của gia đình tôi vẫn đủ nước tưới, phát triển xanh tốt. Ngoài cung cấp nước tưới cho vườn cây, ông Trung còn thiết kế hệ thống máy phun tạo ô xy trong lòng hồ để kết hợp nuôi cá cảnh, tăng thêm thu nhập cho gia đình".

Mô hình hồ nổi trữ nước của anh Lê Quý  (ở xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo).
Mô hình hồ nổi trữ nước của anh Lê Quý (ở xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo).

Từ hiệu quả của mô hình hồ nổi trữ nước ở xã Ea Khăl, nhiều nông dân các xã Ea Nam, Ea Wy, Dliê Yang, Ea Ral… đã mạnh dạn áp dụng vào canh tác nhằm giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn gây ra. Với 10 ha cà phê trồng xen hồ tiêu, để chủ động được nguồn nước tưới liên tục, ngoài lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, anh Lê Quý (ở thôn 8, xã Dliê Yang) đã xây dựng thêm một hồ nổi bằng cách đào ao lót bạt đắp bờ ao xung quanh với chiều dài 23 m, rộng 15 m, sâu 2,5 m. Với gần 900 m3 nước được bơm từ giếng lên hồ nổi vào thời điểm mạch nước dồi dào trong mùa mưa đã giúp anh Quý bảo đảm được nước tưới cho vườn cây vào các đợt tưới cuối mùa khô.

Hồ trữ nước giúp ông Lê Bá Trung (xã Ea Khăl) an tâm sản xuất mùa khô hạn.
Hồ trữ nước giúp ông Lê Bá Trung (xã Ea Khăl) an tâm sản xuất mùa khô hạn.
 
“Kinh phí xây dựng hồ nước nổi khoảng 20 - 30 triệu đồng/hồ, thời gian sử dụng 7 - 10 năm, dễ dàng thực hiện, giúp nông dân giải quyết được tình trạng thiếu nước trầm trọng trong sản xuất, nhất là vào các đợt tưới cuối mùa khô”.
 
Ông Nguyễn Anh Khuấn, Phó Trưởng Phòng NN - PTN  huyện Ea H’leo

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây nguồn nước ngầm suy giảm mạnh gây khó khăn cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, bà con nông dân huyện Ea H'leo đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng khô hạn, trong đó sáng kiến trữ nước chống hạn bằng hồ nổi trữ nước đem lại hiệu quả. Tùy vào nhu cầu sử dụng nước để canh tác mà mỗi hộ áp dụng mô hình hồ nổi trữ nước với thể tích khác nhau. Mùa khô năm nay kéo dài nhưng nhờ có những mô hình hồ nổi trữ nước này giúp nông dân an tâm trồng trọt, chăn nuôi.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.