Multimedia Đọc Báo in

Những bước tiến trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

09:42, 24/07/2020

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng quốc gia khởi nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp “vệ tinh”

Để lan tỏa phong trào khởi nghiệp tại các địa phương trong tỉnh, nhiều hoạt động “chia lửa” khởi nghiệp được các sở, ngành, đơn vị quan tâm đưa về tận cơ sở. Hội thảo “Chắp cánh tinh thần khởi nghiệp sáng tạo” thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp huyện do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức tại huyện Lắk mới đây đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp trên địa bàn. Điều này cho thấy sức hút của phong trào khởi nghiệp đối với cộng đồng, nhất là trong giới trẻ.

Từ các hoạt động của hội thảo khởi nghiệp, nhiều sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh.
Từ các hoạt động của hội thảo khởi nghiệp, nhiều sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh Mai Hồng Cương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hồng Cương cho biết: Huyện Lắk có nhiều tiềm năng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên anh đã chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp. Từ một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, cây giống các loại, sau nhiều năm tự tìm tòi, vượt qua những khó khăn trong bước đường khởi nghiệp, đầu năm 2020, Công ty Hồng Cương ra đời. Bằng việc liên kết và xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị đối với 2 sản phẩm là gà mía và vịt trời, đây là bước ngoặt quan trọng để anh Cương hiện thực hóa ước mơ, khát vọng làm giàu của bản thân. Đến nay, công ty đã liên kết với 22 hộ dân nuôi khoảng 8.000 con gà mía cùng với khoảng 4.000 con vịt trời.

Được thành lập từ tháng 2-2019, HTX Nông nghiệp Thành Tín ở xã Đắk Nuê (huyện Lắk) hiện có 55 thành viên, tổng diện tích trồng lúa 50 ha. Xác định phương thức canh tác sạch là hướng đi bền vững nên các thành viên của HTX đều cam kết sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó có 10% diện tích được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Ông Trần Văn Mười, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Tín cho rằng: “Để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phục vụ cuộc sống và hướng đến xuất khẩu cần sự chung tay của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông trong xây dựng chiến lược phát triển nền nông nghiệp sạch. Khi đó, câu chuyện thương mại cho hạt gạo không chỉ là bán gạo đơn thuần mà chính là bán chất lượng, thương hiệu và trí tuệ trong hạt gạo”.

 
“Phong trào khởi nghiệp của Đắk Lắk có thuận lợi là được sự quan tâm của lãnh đạo cấp tỉnh. Họ chính là “chất dẫn” đầu tiên để thúc đẩy hoạt động sáng tạo đổi mới diễn ra khắp nơi. Tuy nhiên, để tạo điều kiện hơn nữa cho các start up, góp phần thúc đẩy, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào khởi nghiệp cần có sự phối hợp, liên kết, tương tác tích cực hơn nữa giữa các sở, ngành”.
 
Phó Chủ tịch SVF Phạm Duy Hiếu

Ông Võ Ngọc Tuyên, Bí thư Huyện ủy Lắk khẳng định: Huyện Lắk xác định khởi nghiệp là một trong những nguồn lực quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi khát vọng của tuổi trẻ sẽ tạo nên sự đột phá, khác biệt. Để tạo mọi điều kiện cho phong trào khởi nghiệp cũng như thúc đẩy sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương đang tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; phát huy nội lực, huy động ngoại lực để xây dựng Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Kết nối hiệu quả các nguồn lực

Sau 2 năm gây dựng phong trào, hoạt động khởi nghiệp của tỉnh đã có bước đi vững chắc và bắt đầu có chiều sâu, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên xung kích trong sáng tạo khởi nghiệp. Một trong những sự kiện đáng nhớ, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động kết nối các nguồn lực cho phong trào khởi nghiệp là việc UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) vào tháng 10-2019. Đến tháng 3-2020, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty Cổ phần quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM) đã ra mắt Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk. Quỹ ra đời đánh dấu cột mốc quan trọng: Đắk Lắk trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tiên phong khai thông nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP, ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Quỹ Đầu tư không chỉ hỗ trợ vốn để "ươm tạo", phát triển những ý tưởng, dự án khởi nghiệp mà còn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao khả năng quản lý, quản trị và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Các sản phẩm cà phê sạch, cà phê đặc sản của các start up được trưng bày tại Bảo tàng thế giới cà phê  trong khuôn khổ Hội thảo
Các sản phẩm cà phê sạch, cà phê đặc sản của các start up được trưng bày tại Bảo tàng thế giới cà phê trong khuôn khổ Hội thảo "Chắp cánh tinh thần khởi nghiệp sáng tạo".

Phó Chủ tịch SVF Phạm Duy Hiếu đánh giá: “Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đắk Lắk đã bước vào giai đoạn 2 trong 4 giai đoạn của hệ sinh thái khởi nghiệp (cộng đồng, trao nguồn lực, biến đổi sâu sắc, tự động). Đây là thời điểm cần đưa vào ngay những chương trình phát triển có chiều sâu, nâng cao năng lực của những “vườn ươm”, trung tâm "ươm tạo". Đồng thời nâng cao năng lực của những nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm phải tham gia hệ sinh thái một cách kịp thời. Khi nâng cao năng lực các thành tố của hệ sinh thái như thế sẽ giúp cho hệ sinh thái bắt đầu đơm hoa kết trái để đi vào giai đoạn cao hơn”.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.