Multimedia Đọc Báo in

Phát triển toàn diện hợp tác xã nông nghiệp điển hình: Chuyển biến từ nguồn nội lực và trợ lực

09:33, 10/09/2020

Gần ba năm qua, việc thực hiện Kế hoạch thí điểm Phát triển toàn diện hợp tác xã (HTX) nông nghiệp điển hình giai đoạn 2018 - 2020 đã tạo nên nhiều đổi mới, chuyển biến rõ nét tại các HTX nông nghiệp, gia tăng lợi ích cho thành viên, củng cố niềm tin của nông dân vào tổ chức HTX.

Những đổi thay từ các HTX nông nghiệp điển hình

Thời điểm bắt đầu thực hiện Kế hoạch thí điểm (năm 2017), toàn tỉnh có 206 HTX nông nghiệp, với tổng giá trị tài sản hơn 239 tỷ đồng, doanh thu bình quân của mỗi HTX là hơn 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 130 triệu đồng. Tổng số thành viên của HTX nông nghiệp năm 2017 là 11.033 người, thu nhập của mỗi thành viên HTX đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Các HTX nông nghiệp đã dần trở thành một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với nông dân, thể hiện ở một số khâu hoặc tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nặng tính tự phát, sự ràng buộc về kinh tế và pháp lý vẫn chưa thật sự bền vững.

HTX Công bằng Ea Kiết hỗ trợ phân bón cho thành viên theo kế hoạch hằng năm.
HTX Công bằng Ea Kiết hỗ trợ phân bón cho thành viên theo kế hoạch hằng năm.

Với mục tiêu lựa chọn từ 5 - 7 HTX tham gia kế hoạch thí điểm, làm điển hình nhân rộng trong toàn tỉnh, tổ công tác do UBND tỉnh thành lập đã khảo sát 9 trong tổng số 23 HTX được đề xuất và lựa chọn 3 HTX đảm bảo được các tiêu chí của kế hoạch là HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar), HTX Sản xuất nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng), HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông).

Từ những hạn chế, tồn tại của HTX trong quá trình hoạt động, cùng nguyện vọng thay đổi để tạo sự chuyển biến, tạo ra hàng hóa có giá trị cao, Tổ chức Phát triển Hà Lan Agriterra (Tổ chức Agriterra) và Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động đào tạo, tư vấn, cố vấn, hỗ trợ 3 HTX tham gia kế hoạch thí điểm về quản lý tài chính, nghiên cứu thị trường, phân tích chuỗi giá trị và xây dựng chiến lược kinh doanh 3 – 5 năm, xây dựng tổ nhóm nông dân trẻ, xây dựng thương hiệu và tổ chức các hoạt động tiếp thị, vay vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX… Qua đó, các HTX đã nhận thức rõ điểm mạnh, yếu của từng đơn vị, từng bước khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng thương hiệu sản phẩm cho riêng mình. Đến nay, HTX Công bằng Ea Kiết, HTX Minh Toàn Lợi đều đã đầu tư mở rộng sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận; mở rộng liên kết chuỗi với các đối tác tiêu thụ; quảng bá rộng rãi sản phẩm cà phê bột chất lượng cao, mang đặc trưng, đặc thù riêng của mỗi vùng đất. Bước đầu, các HTX đã chứng minh được vai trò, hiệu quả của đầu tư chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng lợi nhuận cho HTX và thành viên qua từng năm.

Còn HTX Thăng Bình cũng đã xây dựng được chiến lược kinh doanh lâu dài, đang tích cực đầu tư hệ thống nhà xưởng, phơi sấy, xay xát để chuyển hướng từ sản xuất lúa, mía đường nguyên liệu sang chế biến sâu thành các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường nông sản chất lượng cao. Ông Võ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thăng Bình chia sẻ, nếu không có sự tư vấn, đào tạo, hỗ trợ từ các đối tác của kế hoạch thí điểm thì HTX vẫn sẽ chỉ tiếp tục liên kết cung ứng nông sản nguyên liệu chứ không có tham vọng, động lực để thay đổi, khắc phục những tồn tại và biến những lợi thế thành giá trị thực tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cần sự vào cuộc đồng bộ hơn

Theo Liên minh HTX tỉnh, đến giữa năm 2020, toàn tỉnh có 335 HTX nông nghiệp, với khoảng 13.500 thành viên và 7.500 người đang làm việc trong các HTX. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 48 HTX nông nghiệp ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể. Trong số các HTX đang hoạt động, chỉ có 35% HTX xếp loại khá, giỏi; 50% xếp loại trung bình; 15% xếp loại yếu kém.

Đoàn chuyên gia của Tổ chức Agriterra làm việc tại HTX Minh Toàn Lợi.
Đoàn chuyên gia của Tổ chức Agriterra làm việc tại HTX Minh Toàn Lợi.

Lý giải về nguyên nhân đặt mục tiêu lựa chọn 5 - 7 HTX nhưng đến nay chỉ mới có 3 HTX tham gia kế hoạch thí điểm, ông Nguyễn Đình Tương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho hay, tổ công tác dựa vào 8 tiêu chí cụ thể để đánh giá, lựa chọn HTX làm đối tác trong kế hoạch thí điểm này. Nhưng phải thừa nhận rằng, phần lớn HTX vẫn mang nặng tư tưởng bảo thủ, chưa sẵn sàng hành động để đổi mới theo cơ chế thị trường, không đáp ứng được yêu cầu về nguồn vốn đối ứng, tính công khai, minh bạch về tài chính trong nội bộ HTX còn chưa cao. Mặt khác, HTX vẫn quan tâm nhiều đến các hỗ trợ tài chính thay vì hỗ trợ về kiến thức và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tiếp cận thị trường.

 

"Trong nền kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu, giúp nông dân hợp lực phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, giảm khâu trung gian trong việc đưa sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng".

 
 
Ông Nguyễn Đình Tương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Trên thực tế, hạn chế về vốn là rào cản rất lớn của các HTX nông nghiệp trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, ký kết các đơn hàng tiêu thụ có giá trị cao. Chẳng hạn như HTX Minh Toàn Lợi trong năm 2019 đã phải từ chối hai đơn hàng xuất khẩu lớn vì không đủ nguồn lực về vốn. Hay như HTX Thăng Bình hiện đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư máy móc chế biến sâu, nhưng điều kiện về tài sản thế chấp chưa đủ đáp ứng… Bên cạnh đó, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, cần có đội ngũ lãnh đạo, điều hành có tầm nhìn, có kiến thức về tài chính, quản trị. Với xuất phát điểm phần lớn là từ nông dân, để đạt được những bước chuyển mình mang tính đột phá đều cần sự nỗ lực lớn của bản thân HTX, sự đồng lòng của thành viên cùng những trợ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp liên kết.

Nhìn nhận quá trình thực hiện Kế hoạch thí điểm Phát triển toàn diện HTX nông nghiệp điển hình có thể thấy mục tiêu lựa chọn một số HTX tiêu biểu tham gia chương trình để tạo nên hình mẫu nhân rộng trên toàn tỉnh là rất phù hợp với tình hình chung của ngành sản xuất nông nghiệp. Qua đó, các HTX được lựa chọn hoặc đang tiếp tục củng cố các tiêu chí để tham gia chương trình đều đã thẳng thắn đối diện những mặt mạnh, yếu của đơn vị mình để tìm hướng khắc phục. Tuy nhiên, với số lượng HTX tham gia còn khá khiêm tốn cùng sự thiếu thống nhất, thiếu phối hợp hành động của các đối tác tham gia đã ít nhiều ảnh hưởng đến phạm vi, quy mô tác động của kế hoạch. Chính vì vậy, trong giai đoạn “nước rút” này, ngoài việc phúc tra, lựa chọn thêm các HTX tham gia kế hoạch thí điểm theo mục tiêu đề ra, các đối tác cần tập trung nguồn lực để HTX nông nghiệp điển hình thực sự phát triển toàn diện, tiêu biểu cho mô hình tổ chức kinh tế tập thể của nông dân trong thời đại mới.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.