Huyện Cư M'gar: Tăng cường ứng phó với dịch tả heo châu Phi
Dịch tả heo châu Phi tái phát trên địa bàn huyện Cư M’gar và đang tiếp tục phát sinh ổ dịch mới, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Công tác dập dịch đang được địa phương triển khai khẩn trương, quyết liệt.
Ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên khởi phát trở lại tại huyện Cư M’gar vào ngày 17-8 trên đàn heo lai rừng 4 con của một hộ dân ở xã Ea Tar. Tiếp đó là các ổ dịch phát sinh tại xã Quảng Tiến, Ea M’nang, thị trấn Quảng Phú. Đến ngày 23-9, thêm một ổ dịch mới phát sinh tại hai hộ chăn nuôi ở buôn Pốk A, thị trấn Ea Pốk. Mới đây nhất, ngày 12-10, lại có một ổ dịch mới xuất hiện cũng tại thị trấn Ea Pốk, trên đàn heo 21 con của hộ bà Phạm Thị Lợi tại tổ dân phố Thống Nhất, với tổng trọng lượng gần 1,5 tấn heo phải tiêu hủy. Đây là số heo phát hiện nhiễm bệnh mới sau 15 ngày phát sinh ổ dịch trên địa bàn thị trấn Ea Pốk.
Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Cư M’gar thông tin, sau khi xác định heo mắc dịch tả heo châu Phi, toàn bộ số heo bệnh được tiêu hủy, chôn lấp theo đúng quy trình. Đồng thời, ngành chức năng tiến hành xử lý nhanh ổ dịch và tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh. Việc di chuyển đến nơi chôn lấp cũng thực hiện nghiêm ngặt, từ bọc lót xe đến phun hóa chất, khử trùng trên suốt tuyến đường đi để tránh nguy cơ lây lan. Hố chôn được đào sâu, xử lý chôn theo đúng quy định để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Rắc vôi bột khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ bà Phạm Thị Lợi, thị trấn Ea Pốk. |
Thị trấn Ea Pốk nằm trên trục đường giao thông nối huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột nên nguy cơ lây lan sang các địa phương lân cận là rất cao. Để tránh lây lan dịch bệnh, huyện Cư M’gar đang tập trung triển khai quyết liệt công tác chống dịch. Huyện đã thành lập các tổ chốt chặn, kiểm dịch động vật, kiểm tra, kiểm soát chặt vận chuyển heo và sản phẩm heo giữa các địa phương. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân ứng phó với dịch bệnh theo phương châm: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ tiêu thụ heo bệnh, không vứt xác heo chết ra môi trường… Cùng với đó, các xã, thị trấn tăng cường cung cấp thông tin về biểu hiện dịch bệnh, triệu chứng cũng như việc thực hiện nghiêm các biện pháp khử trùng, vệ sinh chuồng trại để người dân được biết và thực hiện.
Các địa phương có dịch của huyện đang ra sức dập dịch. Bản thân hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cư M'gar cũng chủ động đề cao công tác phòng chống, nhất là những hộ ở lân cận ổ dịch. Ông Nguyễn Quang Đức cho biết thêm, dịch đang xảy ra rải rác tại các vùng chăn nuôi của huyện. Riêng đối với các hộ có heo mắc bệnh từ 20 con trở xuống cùng ô chuồng, ngành chăn nuôi địa phương đều vận động tiêu hủy toàn bộ số heo hiện có để ngăn chặn dịch lây lan, bảo đảm phòng dịch.
Tiến hành tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi tại một hộ dân ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar. |
Tập trung cho công tác chống dịch, ngành chăn nuôi địa phương đang giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm ngay từ đầu, không để dịch lây lan ra diện rộng. Song theo ông Đức, việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do dịch chưa có thuốc chữa, cũng không có vắc xin phòng ngừa. Trong khi đó, phương thức chăn nuôi của người dân địa phương chủ yếu là nhỏ lẻ, hầu hết ổ dịch xảy ra ở hộ gia đình với quy mô đàn dưới 20 con, nằm rải rác trong các khu dân cư. Điểm chung của các hộ chăn nuôi ở đây là chuồng trại được thiết kế sơ sài, ẩm thấp, công tác vệ sinh chuồng, khu vực chăn nuôi không bảo đảm, mức độ an toàn sinh học không cao. Đây chính là điều kiện để dịch bệnh khởi phát và có nguy cơ lan rộng nếu không được kiểm soát tốt.
Song song với hướng dẫn người dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, xử lý bệnh dịch tả heo châu Phi và như các bệnh truyền nhiễm khác, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng đàn, tái đàn heo với số lượng lớn tại thời điểm này. Bởi các hộ chăn nuôi tự phát theo quy mô nhỏ, lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: hệ thống chuồng trại, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn, dẫn đến rủi ro cao.
Tính đến nay, dịch tả heo châu Phi đã phát sinh tại 15 hộ chăn nuôi ở 7 thôn, buôn, tổ dân phố của ba xã: Quảng Tiến, Ea Tar, Ea M’nang và hai thị trấn Ea Pốk, Quảng Phú của huyện Cư M’gar. Tổng số heo mắc bệnh ốm, chết buộc phải tiêu hủy 120 con, gồm heo nái, heo giống, heo thịt và heo con với trọng lượng 6.524 kg. |
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc