Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử
Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ và đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ở lĩnh vực này. Theo các nhà quản lý, điều này đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp, tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm trên không gian mạng.
Ông Lữ Bằng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Nâng cao hiểu biết về TMĐT, công nghệ cho đội ngũ làm công tác bảo vệ người tiêu dùng
Trong thời đại TMĐT phát triển mạnh, các hình thức mua bán trực tuyến trên các Website, qua mạng xã hội ngày càng phổ biến. Lợi ích của TMĐT quá rõ ràng nhưng từ đây cũng xuất hiện các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới.
Tôi cho rằng, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đòi hỏi công tác bảo vệ người tiêu dùng phải phù hợp với sự đổi mới đó. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực hơn nữa mới có đủ khả năng để hỗ trợ, hướng dẫn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Liên quan đến các dịch vụ mua bán trên mạng, các hoạt động viễn thông, trước hết yêu cầu tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng phải có sự đổi mới về phương thức quản lý, giám sát. Đội ngũ làm công tác bảo vệ người tiêu dùng phải có kiến thức, có hiểu biết về TMĐT, nắm vững các hệ thống ứng dụng công nghệ để hoạt động hội được tốt hơn.
Ở góc độ pháp lý, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định khá đầy đủ, nhưng bản thân người tiếp nhận, tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng lại không hiểu biết sâu về TMĐT thì khó có thể làm tròn nhiệm vụ. Do đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được đào tạo phù hợp với sự đổi mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội, phải thực sự đủ năng lực để nắm bắt và quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh. Theo đó, cần đẩy mạnh các chương trình tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng tư vấn và giải quyết khiếu nại ở các cấp hội… nhằm giúp các hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh: Người tiêu dùng nên trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng mua hàng qua mạng
Gần đây, xu hướng mua hàng trực tuyến, giao dịch qua các trang mạng xã hội ngày càng nhiều, giúp người tiêu dùng thuận lợi hơn về thời gian và đi lại. Tuy nhiên, lại xuất hiện tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo trên các trang mạng, song lại không biết kêu ai.
Chuyện khách hàng nhận hàng hóa, sản phẩm thông qua giao dịch online không đúng như đơn hàng đã đặt mua hoặc như mô tả không còn xa lạ. Hầu như năm nào, Văn phòng Tư vấn và giải quyết khiếu nại của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cũng tiếp nhận khiếu nại của người dân liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ khi mua hàng qua mạng. Loại hàng hóa và dịch vụ được mua sắm trực tuyến chủ yếu là mỹ phẩm, đồ công nghệ, điện thoại di động… Tôi nghĩ, để tránh rủi ro, trước hết người tiêu dùng nên tỉnh táo, mua hàng ở những địa chỉ Website uy tín. Bất kể là loại hàng hóa nào cũng nên tìm hiểu, tìm kiếm thông tin về sản phẩm, hàng hóa đó trước khi quyết định chọn mua. Nếu có thể, nên đề nghị xem hàng trước khi nhận và được đổi trả hoặc không lấy hàng nếu không bảo đảm chất lượng như đã quảng cáo. Đặc biệt, trong trường hợp gặp phải rủi ro: nhận hàng không giống như mô tả, hàng bị lỗi, vỡ, mất hàng…, người tiêu dùng nên mạnh dạn lên tiếng, tố giác những hành vi lợi dụng TMĐT để bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng cần bỏ ngay tâm lý e ngại, mà ngược lại phải mạnh dạn, chủ động liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ, tư vấn. Ngoài ra, cũng rất cần phải tỉnh táo, cẩn trọng khi lựa chọn mua hàng trên mạng, tránh những sản phẩm quảng cáo thái quá về công dụng hoặc có giá bán khuyến mại quá rẻ.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương: Phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT
Trước những vấn đề nảy sinh từ giao dịch TMĐT, theo tôi cần nghiêm túc triển khai phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng Internet. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các Website TMĐT trong bảo vệ người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với sản phẩm, hàng hóa cung cấp ra thị trường và thực hiện tốt việc bồi thường, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng nếu phát sinh. Thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT, tập huấn nghiệp vụ thông tin, xúc tiến TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT để doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng… Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động vừa tạo môi trường cho TMĐT phát triển vừa chú trọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở lĩnh vực này. Cụ thể là phối hợp với các ngành liên quan, địa phương có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát và thực thi pháp luật về TMĐT; tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến… Đồng thời, thường xuyên cảnh báo những chiêu trò gian lận thương mại thông qua TMĐT, hỗ trợ kỹ năng giao dịch TMĐT cho người tiêu dùng.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc