Người thương binh làm giàu từ thú chơi lan
Mặc dù đã mất đi một phần cơ thể trong chiến tranh nhưng với bản chất người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh, thương binh nặng Lê Mỹ ở thôn Phước Trạch 1, xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) rất tích cực tham gia công tác ở địa phương và năng động tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả.
Cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh đến thăm vườn lan “có một không hai” trên địa bàn xã của ông Lê Mỹ với hàng trăm loại lan khác nhau sẽ thật ngạc nhiên khi cơ ngơi này được tạo dựng bởi một thương binh đã 70 tuổi. Kể lại cuộc đời của mình, trong ánh mắt ông ánh lên niềm xúc động, tự hào khi đã đóng góp được một phần nhỏ cho đất nước cả trong thời chiến lẫn thời bình. Năm 1967, ông Lê Mỹ nhập ngũ khi mới 17 tuổi và được biên chế ở chiến trường H8 (Đắk Lắk).
Cán bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh và huyện Krông Pắc tham quan, tìm hiểu mô hình trồng lan của gia đình thương binh Lê Mỹ (bìa phải). |
Trong kháng chiến chống Mỹ năm 1975, ông Mỹ là Đại đội trưởng 314, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Năm 1977, ông là Huyện đội trưởng Huyện đội Đắk Mil. Tháng 9-1978, ông là Tham mưu trưởng Trung đoàn 142 cùng đồng đội đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tại chiến trường khốc liệt này, vào tháng 11-1978, ông bị thương, mất chân phải, trở thành thương binh hạng 2/4. Sau khi phục viên, ông về sinh sống tại xã Ea Phê, được tín nhiệm làm Bí thư Đảng ủy xã từ năm 1982 - 2005 rồi nghỉ hưu.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pắc Nguyễn Thái Quý
|
Ông chia sẻ: “Mình là người lính, đánh giặc còn được, chiến tranh ác liệt, gian khổ mấy cũng vượt qua được không lẽ lại chịu cảnh đói nghèo. Tôi luôn tự nhủ mình và động viên vợ con phải tìm cách vươn lên”. Nghĩ là làm, với tổng diện tích hơn 1 ha đất sản xuất, khi còn sức khỏe, ông cùng vợ trồng, chăm sóc cà phê, tiêu, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo thịt rồi chuyển đổi sang nuôi chim công, nhím, ba ba. Chăm chỉ làm lụng, biết tích cóp, vợ chồng ông xây được nhà, mua sắm đủ các phương tiện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Năm 2015, khi tuổi đã cao, sức khỏe dần yếu hơn, nhưng thương binh Lê Mỹ vẫn trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu, ông nắm bắt thị trường có nhu cầu cao về hoa lan nên đã đi đến một số nơi ở TP. Buôn Ma Thuột, TP. Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu cách xây dựng mô hình, học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Sau khi bàn bạc với vợ con, ông quyết định làm thử nghiệm với diện tích giàn 65 m2, mua một số giống lan lai về chăm sóc, bán lại. Khi đã có thêm kinh nghiệm, ông đầu tư 250 triệu đồng làm giàn sắt, lưới che, hệ thống béc tưới phun sương tự động, mở rộng diện tích dàn treo lên 350 m2. Đồng thời, ông bắt đầu sưu tầm các loại lan rừng về chăm sóc, tự mày mò, học hỏi cách ươm mầm để nhân giống. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, ông đã thất bại nhiều lần. Không nản chí, ông đã tự học hỏi thêm kinh nghiệm qua sách báo và những người chơi lan lâu năm.
Cán bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh và huyện Krông Pắc tham quan, tìm hiểu mô hình trồng lan của gia đình thương binh Lê Mỹ. |
Say mê, cần cù và áp dụng đúng các yêu cầu kỹ thuật, dần dần ông đã thành công. Giờ đây, ông đã có hẳn một “kho” kiến thức về hoa lan. Để hỗ trợ tìm đầu ra ổn định trên thị trường, con trai cả của ông đã thành lập trang bán hàng qua mạng. Nhờ vậy, người chơi lan ở khắp nơi như Hà Nội, Bình Dương, Đắk Lắk... đã tìm đến vườn để trao đổi, mua bán. Nhiều loại lan quý được bán theo mầm hoặc xăng ti mét, có giá từ vài triệu đến trên 500 triệu đồng/giò. Hiện nay, vườn lan của gia đình ông có tổng trị giá trên 3 tỷ đồng.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc