Multimedia Đọc Báo in

Để không còn nơm nớp nỗi lo thực phẩm "bẩn"

08:35, 29/01/2021

Thực phẩm "bẩn" chưa bao giờ hết "nóng", nhất là vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao thì thực phẩm ''bẩn'' càng có cơ hội trà trộn, tuồn ra thị trường, đe dọa sức khỏe người dùng, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Vụ vận chuyển 1,7 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc đã bốc mùi hôi thối lớn nhất từ trước đến nay mà Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã phát hiện, tịch thu trong đợt cao điểm kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu mới đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" làm dấy lên nỗi lo phải đối mặt nguy cơ thực phẩm “bẩn” và hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Số thực phẩm "bẩn'' trên đã không còn cơ hội để tuồn ra thị trường, trở thành những món ăn hấp dẫn sau khi được "phù phép". Song có ai dám chắc chắn rằng, mỗi ngày đi chợ chưa từng mua phải thực phẩm “bẩn” dẫu luôn tự dặn bản thân phải tỉnh táo, phải là người tiêu dùng thông minh khi mua hàng. Nhưng, chẳng dễ dàng chút nào để phân biệt được đâu là hàng thật - giả, thực phẩm nào là sạch, đâu là thực phẩm tồn dư hóa chất bằng... mắt thường. Suy cho cùng, người tiêu dùng lựa chọn, quyết định mua hàng hóa bằng... niềm tin với người bán.

Cục Qltt tỉnh phối hợp bắt quả tang vụ vận chuyển số lượng lớn thịt, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc ở TP. Buôn Ma Thuột.
Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp bắt quả tang vụ vận chuyển số lượng lớn thịt, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc ở TP. Buôn Ma Thuột.

Đường đi của thực phẩm "bẩn" trà trộn ra thị trường có thể nằm ở bất kỳ khâu nào, từ người sản xuất, cung ứng, chế biến, đóng gói, thu gom, vận chuyển, phân phối, tiêu thụ. Trong khi đó, nhân lực, trang thiết bị, máy móc của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này không đủ để thiết lập lập hàng rào giám sát, ngăn chặn mọi ngả đường của thực phẩm “bẩn” tràn ra thị trường. 

Hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng đã là khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ, trước đó đã phải qua nhiều khâu kiểm định của cơ quan chức năng liên quan. Vì vậy, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa ngay từ khâu sản xuất, có như vậy mới mong thu hẹp và “chặt đứt” mọi mắt xích trong đường dây buôn lậu, làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Thêm vào đó, các hành vi sản xuất, kinh doanh, cố tình vận chuyển thực phẩm "bẩn" phải được coi là tội ác và có chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe. Nếu đã có thể “chặt” được tận gốc nguồn cung thực phẩm “bẩn” thì cũng nên có cơ chế mạnh mẽ hơn “truy xuất” trách nhiệm của người đứng đầu những nơi để xảy ra tình trạng phức tạp về sản xuất thực phẩm không an toàn.

 "Cuộc chiến" chống lại thực phẩm "bẩn" chưa lúc nào hết khó khăn. Thực tế trên đòi hỏi công tác kiểm tra, kiểm soát cần được liên ngành, liên cơ quan “siết chặt” ngay từ gốc. Nếu mỗi đơn vị được giao trách nhiệm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực được phân công quản lý, kiên quyết xử lý mạnh hơn, nghiêm hơn các đối tượng xấu muốn trục lợi thì mới mong làm vơi đi nỗi lo của người tiêu dùng về hàng kém chất lượng. Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng rất cần được minh bạch thông tin về các điểm bán, tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm cũng như các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất biết đề cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dùng. Về lâu dài, cần đẩy mạnh sản xuất sạch, có chính sách ưu đãi, động viên đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, cung ứng ra thị trường những sản phẩm an toàn.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc