Multimedia Đọc Báo in

Thích thú trải nghiệm vườn dâu tây hữu cơ tại Buôn Ma Thuột

19:58, 03/02/2021

Tận mắt ngắm dâu tây chín mọng, tự tay hái mang về đã thu hút nhiều người đến với vườn dâu  tây của gia đình ông Trần Đình Vĩnh ở thôn 8, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột).

Cây dâu tây gắn bó với ông Vĩnh một năm qua bắt đầu từ trăn trở tìm loại cây trồng phù hợp thay thế cho diện tích cây cà phê, hồ tiêu đã già cỗi của gia đình. Qua tìm hiểu, dâu tây là loại trái cây mềm, cho thu hoạch quanh năm, rất tốt cho sức khỏe, hiện nay nhu cầu sử dụng trái cây này của người dân tăng cao, ông Vĩnh trực tiếp sang Đà Lạt tham quan, tìm hiểu cách trồng dâu tại các nhà vườn. Được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật của những người bạn, ông Vĩnh quyết định phá bỏ một phần diện tích cà phê, mua giống dâu tây về trồng theo mô hình sản xuất dâu sạch.

Ông Trần Đình Vĩnh (bìa trái) chia sẻ cách chăm sóc dâu tây cho khách hàng. Ảnh: T.Linh
Ông Trần Đình Vĩnh (bìa trái) chia sẻ cách chăm sóc dâu tây cho khách hàng. 

Vườn dâu tây hữu cơ của gia đình ông Vĩnh rộng hơn 2.000 m2 với những luống dâu thẳng tắp. Ông Vĩnh cho hay, trồng dâu tây không quá khắt khe về kỹ thuật nhưng đòi hỏi tốn nhiều công sức. Ngày nào vợ chồng ông cũng phải tất bật ngoài vườn: tỉa bớt lá già, mầm chồi để dâu dồn sức nuôi quả, nhặt sâu, tưới tắm… Để có sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, ông dành hơn một tháng để cải tạo, bổ sung dinh dưỡng cho đất trước khi xuống giống; sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ vi sinh để chăm bón cho cây. Dâu trồng trên luống phủ bạt nên đỡ công chăm sóc, dễ thoát nước, chống ngập úng, hạn chế sâu bệnh. Đều đặn hằng ngày vào buổi sáng và chiều, vườn dâu được giữ ẩm bằng hệ thống tưới phun sương tự động. Sau khi trồng khoảng 3 tháng, dâu tây sẽ đơm bông, kết trái liên tục trong suốt 3 năm.

Lựa chọn hình thức kinh doanh theo kiểu trải nghiệm hái dâu tây trực tiếp tại vườn, sau gần 10 tháng chăm sóc, vào dịp Noel vừa qua, ông Vĩnh bắt đầu mở cửa đón khách đến tham quan. Thời điểm này, dâu tây đang vào mùa chín rộ, quả đỏ ửng, căng mọng xen lẫn với những chùm hoa trắng trông rất đẹp mắt. Hiện mỗi ngày vườn dâu tây của gia đình ông Vĩnh cho thu hoạch từ 7 - 10 kg quả, chủ yếu phục vụ khách hàng đến hái và mua trực tiếp tại vườn với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, thậm chí không đủ số lượng dâu cung ứng cho khách. Anh Nguyễn Tiến Đạt vừa tham quan trải nghiệm và hái dâu tây tại vườn nói: “Tôi rất tò mò khi biết ở địa phương mình có một vườn dâu tây. Sau khi đưa vợ con đến tận nơi tham quan, tôi cảm thấy rất thích thú, vườn dâu không chỉ đẹp mà trái dâu còn rất thơm và ngọt. Đây sẽ là một địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến để trải nghiệm”.

Khách hàng trải nghiệm thu hoạch dâu tây tại vườn dâu của gia đình ông Trần Đình Vĩnh. Ảnh: T.Linh
Khách hàng trải nghiệm thu hoạch dâu tây tại vườn dâu của gia đình ông Trần Đình Vĩnh. 

Ngoài chăm sóc vườn dâu tây, ông Vĩnh cũng cung cấp cây dâu con cho khách hàng có nhu cầu mua về trồng, và chậu dâu tây được bán với giá 60.000 - 100.000 đồng/chậu. Hiện ông Vĩnh đang tiến hành mở rộng diện tích trồng dâu tây, xây dựng các tiểu cảnh đẹp để kịp phục vụ khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Được tận hưởng không khí trong lành tươi mát, tự tay hái, thưởng thức những trái dâu tươi chín mọng còn đọng sương sớm là một trải nghiệm thú vị, mới lạ.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.