Chủ động ngăn chặn vận chuyển trái phép heo qua biên giới
Trước nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi và một số loại bệnh nguy hiểm khác có nguy cơ bùng phát, các ngành chức năng của tỉnh đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiền biện pháp nhằm chủ động ngăn chặn, kiểm soát tình trạng vận chuyển heo qua biên giới, ra vào địa bàn tỉnh.
Theo Bộ NN-PTNN, thời gian qua trong nước đã xuất hiện tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới Việt Nam và các nước, nhất là từ Trung Quốc. Nguyên nhân giá thịt heo trong nước vẫn đang “neo” ở mức cao, trong khi có sự chênh lệch giá tương đối cao giữa Việt Nam so với các nước khác. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng buôn lậu đã tìm mọi cách để thu gom, vận chuyển heo không rõ nguồn gốc về trong nước bán kiếm lời. Điều này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các dịch bệnh nguy hiểm như: tả heo châu Phi, lở mồm long móng…
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh bắt giữ nội tạng heo không rõ nguồn gốc vận chuyển vào địa bàn tỉnh. |
Để khẩn trương ngăn chặn tình trạng trên, Bộ NN-PTNT đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) quốc gia; Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm thịt heo qua biên giới. Thành lập đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để kiểm tra việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép heo, sản phẩm từ heo khi ra, vào Việt Nam. UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, nếu phát hiện trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo lậu thì phải tiêu hủy và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ NN-PTTN, tại tỉnh Đắk Lắk các cơ quan chức năng đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo ra, vào địa bàn tỉnh; chủ động ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép heo qua biên giới không bảo đảm an toàn. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng đã thành lập Đoàn công tác số 12 đến hai huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép heo, sản phẩm heo ra, vào biên giới Việt Nam.
Huyện Buôn Đôn có tổng đàn heo hơn 77.600 con, tăng hơn 25.000 con so với năm 2019. Thời gian gần đây có sự dịch chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn; tỷ lệ chăn nuôi heo nông hộ giảm, tỷ trọng chăn nuôi heo trang trại, chăn nuôi tập trung tăng (chiếm 81% tổng đàn toàn huyện). Công tác kiểm dịch, xuất, nhập heo được các trang trại tuân thủ theo quy định của pháp luật, tuy nhiên do địa bàn rộng, nhiều đường mòn, lối tắt qua lại giữa các địa phương khác nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia súc trái phép không rõ nguồn gốc, nhất là khu vực giáp ranh luôn tiềm ẩn. Người dân huyện Cư Jut (tỉnh Đắk Nông) và xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) cũng thường xuyên vận chuyển, trao đổi hàng hóa trên các tuyến đường thủy điện Sêrêpốk 3 và 4 quản lý. Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn thông tin, vào tháng 7-2019, lực lượng chức năng huyện từng phát hiện, bắt giữ 1 xe vận chuyển heo từ huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) đến TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), đi qua thủy điện Sêrêpốk 4, vận chuyển không có Giấy chứng nhận kiểm dịch ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. UBND huyện đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính 7.000.000 đồng. Vì vậy, UBND huyện đã và đang tập trung kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào huyện; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển heo và sản phẩm từ heo trên các tuyến đường chính, các đường mòn ra, vào địa bàn để tiêu thụ.
Ông Trương Văn Nhương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, hiện tỉnh chưa phát hiện tình trạng vận chuyển trái phép thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo qua biên giới. Song, công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là tại các đường mòn, lối mở khu vực biên giới đang được các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện. |
Tại huyện Ea Súp, công tác kiểm dịch xuất heo ra khỏi địa bàn đang được nỗ lực thực hiện có hiệu quả. Về kiểm dịch xuất heo từ huyện ra khỏi địa bàn tỉnh, tính từ tháng 1-2020 đến hết tháng 1-2021, huyện đã xuất 4.498 con heo, nhập 680 con heo và chưa phát hiện vi phạm ở lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng 737, 735, 741, 739 cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát trên Quốc lộ 14C, đường tuần tra biên giới và các đường biên khu vực giáp ranh. UBND các xã trong huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động mua bán, kinh doanh, giết mổ heo tại các chợ Ea Rốk, Ea Lê và thị trấn Ea Súp. Qua đó, vận động các chủ cơ sở giết mổ, các hộ kinh doanh giết mổ lợn chỉ tiếp nhận heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, trong đó ưu tiên giết mổ heo thịt của người chăn nuôi tại địa phương.
Người chăn nuôi ở huyện Buôn Đôn chú trọng vệ sinh chuồng trại, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. |
Ông Trương Văn Nhương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cho hay, ngoài phối hợp với UBND các huyện biên giới tập trung ngăn chặn, xử lý nghiêm việc vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm từ động vật qua biên giới hoặc không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y, Đoàn còn chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng và sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh nhằm chủ động phòng chống, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi vận chuyển trái phép heo qua biên giới... Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác ngăn chặn vận chuyển trái phép heo qua biên giới, UBND tỉnh cần bố trí lực lượng chuyên ngành kiểm tra, kiểm soát các phương tiện giao thông tại tuyến Quốc lộ 14C (đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk; đoạn giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và huyện Ea Súp), nhằm hỗ trợ lực lượng Bộ đội Biên phòng các đồn và lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn; tăng cường, bổ sung nhân lực cho lực lượng Cảnh sát giao thông, nhân viên Trạm chăn nuôi và Thú y trên địa bàn hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp...
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc