Multimedia Đọc Báo in

Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp

06:23, 22/03/2021

Thông qua các hoạt động hỗ trợ vay vốn ngân hàng, tư vấn hướng nghiệp của các cấp bộ Đoàn, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Cư Kuin đã tự tin lập thân, lập nghiệp với những mô hình kinh tế hiệu quả.

Sức trẻ khởi nghiệp

Tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk dù đang có công việc ổn định nhưng anh Đinh Trọng Nghĩa, Bí thư Chi đoàn thôn Lô 13 (xã Dray Bhăng) vẫn quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với nghề trồng nấm.

Trước khi bắt tay vào trồng nấm, anh Nghĩa dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, sách báo và học tập kỹ thuật nuôi trồng ở các vùng lân cận. Năm 2018, anh xây dựng nhà xưởng, lò hấp nấm với diện tích hơn 200 m2. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, những mẻ phôi sản xuất ra đều bị hỏng, phải vứt bỏ hoàn toàn.

Sau một thời gian thử nghiệm, anh Nghĩa đã làm chủ được kỹ thuật và sản xuất phôi nấm thành công. Vận dụng kiến thức có được từ ngành kỹ thuật điện, anh lắp đặt hệ thống phun sương tự động giúp quá trình chăm sóc vừa đỡ tốn công, vừa đảm bảo độ ẩm cho nấm phát triển tốt. Quá trình sinh trưởng, phát triển của nấm cũng được lập trình theo dõi cụ thể thông qua biểu đồ để kịp thời phát hiện sâu bệnh, điều chỉnh cách chăm sóc cho phù hợp.

Anh Định Trọng Nghĩa (bên trái) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc nấm mối đen.
Anh Định Trọng Nghĩa (bên trái) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc nấm mối đen.

Khi đã sản xuất được lượng phôi nấm lớn, nguồn nấm thành phẩm ổn định, anh Nghĩa tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài các kênh bán hàng online, hội chợ, anh còn kết nối được nhiều bạn hàng lớn khắp các tỉnh thành. Trong lúc loay hoay tìm nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo nguồn cung cho thị trường thì anh Nghĩa nhận được trợ lực kịp thời từ nguồn vốn vay khởi nghiệp 20 triệu đồng của Hội LHTN Việt Nam tỉnh và 50 triệu đồng do Huyện Đoàn Cư Kuin đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ có thêm vốn, anh Nghĩa đã mạnh dạn thuê nhà xưởng mở rộng sản xuất với diện tích 2.500 m2 quy mô 70.000 bịch nấm. Không những được hỗ trợ vay vốn, các sản phẩm nấm hữu cơ của anh cũng được Huyện Đoàn Cư Kuin lựa chọn là sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu để trưng bày, quảng bá tại các chương trình khởi nghiệp của tỉnh.

Cũng như anh Nghĩa, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các cấp bộ Đoàn, anh Y Bly Êung, Phó Bí thư Đoàn xã Hòa Hiệp đã vượt qua khó khăn, vững tin khởi nghiệp. Trước đây, gia đình Y Bly có 1,5 ha đất trồng cà phê và tiêu, tuy nhiên, những năm gần đây giá tiêu xuống thấp, cà phê già cỗi, năng suất thấp nên kinh tế gia đình có phần giảm sút. Năm 2020, anh đầu tư chăn nuôi 10 con bò giống sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc, thấy bò phát triển tốt, sinh sản đều đặn, anh Y Bly mạnh dạn đề xuất vay vốn phát triển kinh tế với Huyện Đoàn Cư Kuin. Sau khi được hỗ trợ vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, cùng vốn sẵn có của gia đình, anh đã phát triển đàn bò lên 15 con. Nhờ chịu khó làm ăn, tăng gia sản xuất, giờ đây gia đình anh Y Bly đã có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu.

Anh Y Bly chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp bộ Đoàn với nhiều chương trình vay vốn thiết thực đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, tự tin lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống”.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Anh Y Siêr Mdrang, Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi huyện Cư Kuin cho biết, thời gian qua, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được Huyện Đoàn triển khai sâu rộng với các hoạt động: hướng dẫn thanh niên lập kế hoạch, dự án kinh doanh khả thi, liên kết đầu tư để mở rộng sản xuất, hướng dẫn thủ tục vay vốn... Năm 2020, Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi huyện ra đời với 13 thành viên đã tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, liên kết tập hợp đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu. Sau một thời gian hoạt động, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã được nhiều thanh niên tham khảo học tập như: mô hình trồng nấm hữu cơ, trồng mãng cầu, chăn nuôi dê, nuôi gà thả đồi, nuôi bò sinh sản…

Lãnh đạo Huyện Đoàn Cư Kuin trao vốn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế.
Lãnh đạo Huyện Đoàn Cư Kuin trao vốn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế.

Cùng với đó, nhằm giúp đoàn viên thanh niên có điều kiện kinh doanh, phát triển sản xuất, Huyện Đoàn cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên. Từ năm 2020 đến nay, Huyện Đoàn Cư Kuin đã trao gần 300 triệu đồng vốn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn này, đã có nhiều thanh niên vươn lên phát triển kinh tế, với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Theo chị Đặng Thị Vân, Bí thư Huyện Đoàn Cư Kuin, để các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên phát triển bền vững, Huyện Đoàn sẽ làm tốt vai trò "cầu nối" giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu chính đáng.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.