Thành công của startup U50
Khởi nghiệp thành công ở ngưỡng U50, startup Trần Thị Kim Luyến ở buôn Ea Sang (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) đã khẳng định được bản lĩnh trong lĩnh vực chế biến nông sản đặc trưng của địa phương.
Gia đình bà Luyến sở hữu 3 ha trồng xen canh các loại cây dài và ngắn ngày, trong đó có cây nghệ. Giá củ nghệ lên, xuống bấp bênh, khiến gia đình bà và nông dân địa phương gặp nhiều khó khăn, bà Luyến quyết định tìm tòi, học hỏi cách chế biến củ nghệ. "Khi tìm hiểu, nhận thấy tinh bột nghệ có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe và làm đẹp; thị trường trong và ngoài nước đang ưa chuộng các sản phẩm xanh, sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên, tôi xác định hướng đi là khởi nghiệp với sản xuất tinh bột nghệ", bà Luyến chia sẻ. Dù tuổi đời không còn trẻ, startup Kim Luyến chăm chỉ học hỏi kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tham quan, tìm hiểu các mô hình sản xuất tinh bột nghệ ở trong, ngoài tỉnh.
Sau một thời gian nghiên cứu, bà Luyến mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, dây chuyền máy móc. Từ máy rửa, máy xay, máy vắt, tách dầu và nghiền bột nghệ đều được bà đầu tư theo hướng hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, bà còn đầu tư cả tủ sấy ráo nước lẫn tủ sấy lạnh để bảo đảm được hàm lượng các tinh chất quý ở trong củ nghệ.
Startup Trần Thị Kim Luyến trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2020. |
Để nguồn nguyên liệu bảo đảm, ngoài củ nghệ do gia đình trồng, bà Luyến còn liên kết với các gia đình trong buôn, trong xã trồng nghệ sạch. Những lô sản phẩm tinh bột nghệ đầu tiên ra đời chưa được nhiều người tiêu dùng đón nhận do còn thiếu kinh nghiệm, chưa kết nối được thị trường, điều này không làm bà Luyến nản lòng, trái lại khiến bà không ngừng nỗ lực để cải thiện, làm cho sản phẩm đẹp mắt, hoàn hảo hơn. Nhờ đó, những lô sản phẩm sau được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, tạo động lực không nhỏ cho bà Luyến. Đầu năm 2019, bà Luyến quyết định đăng ký thương hiệu tinh bột nghệ Trần Thị Kim Luyến cho cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của mình và tự tin hơn để cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Không chỉ mạnh dạn trong sản xuất, startup U50 Kim Luyến rất năng động trong quảng bá và kết nối thị trường tiêu thụ. Khi chưa có kinh phí cho quảng cáo, marketing, bà Luyến tận dụng các trang mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình, từ đó nhanh chóng “nắm” được những đơn hàng đầu tay. Tiếp đến, bà đăng ký tham gia các đợt trưng bày sản phẩm, ngày hội, hội chợ triển lãm… để giới thiệu sản phẩm. Cuối năm 2020, bà Luyến là một trong những startup lớn tuổi nhất tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk và xuất sắc lọt vào Vòng chung kết. Không dừng lại ở đó, sản phẩm tinh bột nghệ của bà Luyến còn đạt top 10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2019 và là sản phẩm OCOP của địa phương đạt chứng nhận 3 sao. Hiện nay, sản phẩm tinh bột nghệ Kim Luyến không chỉ được tiêu thụ ở các tỉnh thành trong cả nước mà còn đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ...
Startup Trần Thị Kim Luyến thăm vườn nghệ nguyên liệu. |
Điều đáng vui mừng là đã có nhiều đối tác Nhật Bản kiểm nghiệm sản phẩm tinh bột nghệ Kim Luyến đạt hàm lượng Nona curcumin theo tiêu chuẩn quốc tế, sau đó ký kết xuất khẩu với giá thành ổn định, mang lại lợi nhuận cao cho cơ sở sản xuất. Hằng năm, cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Kim Luyến cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước gần 2 tấn tinh bột nghệ. Doanh thu mang lại hơn 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm. Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của startup Kim Luyến còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.
Nhằm đa dạng thêm các sản phẩm xanh, sạch và tốt cho sức khỏe, hiện nay cơ sở của bà Luyến còn nghiên cứu, sản xuất thêm sản phẩm tinh bột sắn dây. Với sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng, Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Kim Luyến đã và đang phát triển nhanh chóng, được người tiêu dùng tín nhiệm.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc