Trên hành trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (Kỳ 2)
Kỳ 2: Luồng sinh khí mới cho các startup
Công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh đã được triển khai đồng bộ và đạt kết quả nhất định. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều ý tưởng, đề án khởi nghiệp tiêu biểu đã lan tỏa cảm hứng, tạo nên luồng sinh khí mới cho các startup.
Từ các dự án khởi nghiệp
Giành giải Nhất trong Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2018, startup Nguyễn Thị Thu Phương (huyện Krông Năng) còn xuất sắc gọi vốn thành công 5 tỷ đồng từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn giáo dục Egroup tại Chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam năm 2019.
Xưởng chế biến sản phẩm mắc ca của startup Nguyễn Thị Thu Phương (huyện Krông Năng). |
Hai sự kiện này là “bước đệm” của Phương, giúp cô khẳng định thương hiệu Damaca Nguyên Phương của mình trên thị trường và công ty của cô cũng có nguồn vốn ổn định để hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhờ sự nỗ lực học hỏi, tìm tòi, hai năm qua, Phương không ngừng nghiên cứu ra sản phẩm mới, đồng thời cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn ISO, HACCP vào sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm. Phương cũng đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị để tăng công suất. Sản phẩm mắc ca của cô ngày càng được nhiều người biết đến. Năm 2020, Damaca Nguyên Phương xuất ra thị trường khoảng 70 tấn hạt mắc ca. Hiện nay, sản phẩm mắc ca của Phương đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 và xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đài Loan, Pháp… ''Thu Phương là tấm gương sáng, giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sự nhạy bén, chịu khó tìm hiểu, chinh phục thị trường của Phương là điều các startup rất cần", ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk đánh giá.
Không chỉ các startup thành công ở Cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh của tỉnh mà còn rất nhiều đề án, ý tưởng khác đã lan tỏa được cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Trong giai đoạn 2018 – 2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều ý tưởng, đề án khởi nghiệp tiêu biểu, đạt được nhiều giải thưởng trong các Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia, chẳng hạn như: Dự án “Mô hình liên kết gia tăng giá trị cà phê với đầu ra là cà phê đặc sản tại tỉnh Đắk Lắk” của chị Huỳnh Thị Nga (Trường Đại học Tây Nguyên) đoạt giải “Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường” tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Hay với Dự án “Pơ Lang – sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ và thảo dược Đắk Lắk” của chị Phạm Thị Thu Hằng (huyện Krông Pắc) đã đoạt giải thưởng “Hỗ trợ thiết bị nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất” tại Cuộc thi Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức. Đề án “Trà Mãng cầu Nguyễn Văn” của startup Nguyễn Văn Sơn (huyện Krông Pắc) đoạt giải Ba Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018 và lọt top 60 tại Cuộc thi thường niên và lớn nhất tại Việt Nam - Startup Whell 2020. Còn sản phẩm socola, ca cao Miss Ede của startup Hoàng Danh Hữu đã xuất sắc lọt top 15 Startup Việt năm 2020…
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sâu rộng
Giai đoạn 2018 – 2020 là thời kỳ các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh của tỉnh được tổ chức sôi nổi và thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là việc tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Ngày hội khởi nghiệp hằng năm đã tạo dấu ấn lớn, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên toàn tỉnh.
Cố vấn cao cấp Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) lĩnh vực thương mại Hoàng Minh Ngọc Hải
|
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vẫn thu hút được 147 dự án dự thi và Ngày hội khởi nghiệp tỉnh có gần 100 đơn vị là các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và các địa phương tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa từ thành thị đến nông thôn và đến tất cả các tầng lớp nhân dân từ nông dân đến trí thức. Giai đoạn này cũng ghi dấu sự ra đời và trưởng thành của nhiều câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, chẳng hạn như: CLB Khởi nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên, CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Krông Búk…
Ông Huỳnh Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo dấu ấn lớn, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên toàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, tinh thần khởi nghiệp của Đắk Lắk được các bộ, ngành đánh giá cao, nằm trong top những tỉnh có phong trào khởi nghiệp sôi nổi. Công tác hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã có tác động tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gia tăng số lượng DN trên địa bàn tỉnh.
Dự án Ống hút từ hạt bơ của các em học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt đoạt giải Ba tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần thứ II năm 2020. |
Theo số liệu thống kê, số lượng DN thành lập mới hằng năm đều tăng (đạt và vượt kế hoạch đề ra), giai đoạn 2018 - 2020 có 3.691 DN đăng ký thành lập mới, lũy kế đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.374 DN hoạt động (trong đó có 874 chi nhánh DN ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn). Để phát huy những kết quả trên, tỉnh xác định còn rất nhiều mục tiêu để phấn đấu, trong đó quan trọng nhất là phải thắp lên ngọn lửa đam mê, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, không ngại thất bại, khơi dậy tính sáng tạo, sự năng động và dám nghĩ dám làm… của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Nâng cao năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc