Multimedia Đọc Báo in

Kỹ sư công nghệ thông tin làm giàu từ... trồng chuối

08:08, 07/05/2021

Sau một thời gian giảng dạy tại Trường Cao đẳng thực hành FPT cơ sở Tây Nguyên, năm 2016 anh Nguyễn Hải Triều, kỹ sư công nghệ thông tin, quyết định nghỉ việc về nhà ở thôn  Ea Dú, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) để làm nông nghiệp.

Qua tìm hiểu và trực tiếp đi tham quan học hỏi các mô hình kinh tế ở nhiều nơi, anh Triều nhận thấy cây chuối tiêu hồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn lại nhanh. Cây chuối chủ yếu sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh nên đảm bảo yếu tố “sạch” - tiêu chí chọn lựa hàng đầu của người tiêu dùng. Anh Triều quyết định ra tận Hà Nội mua 2.000 gốc chuối tiêu hồng về trồng.

Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng chuối ở các địa phương khác và nghiên cứu trên sách, báo, tivi, sau 9 tháng trồng, vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh đã cho thu hoạch; quả to, đẹp, màu sắc bắt mắt nên bán được giá khá cao. Thấy hiệu quả cao từ trồng chuối tiêu hồng nên anh Triều tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích hằng năm; đến nay diện tích vườn chuối của gia đình anh đã lên đến hơn 5 ha, được anh trồng phân bổ theo 3 lứa khác nhau trong năm vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, vừa có sản phẩm thu hoạch quanh năm. Hiện nay vườn chuối của gia đình anh Triều được thương lái vào thu mua tại vườn với giá 4.500 đồng/kg; mỗi buồng chuối trung bình nặng 30 kg. Với 2.000 gốc chuối cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ anh thu về 150 triệu đồng.

Hội viên nông dân huyện Ea H'leo tham quan vườn chuối của gia đình anh Nguyễn Hải Triều.
Hội viên nông dân huyện Ea H'leo tham quan vườn chuối của gia đình anh Nguyễn Hải Triều.

Anh Triều chia sẻ: chuối tiêu hồng là cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc, cần chú ý cung cấp đủ độ ẩm và bón phân đúng thời điểm cây cần. Việc chọn hướng ra buồng và cắm cọc chống đỡ là cực kỳ quan trọng vì chuối là loại cây rễ chùm, ăn nông trong khi buồng lại khá nặng, rất dễ đổ khi gặp gió lớn. Giống chuối tiêu hồng trồng trên địa bàn xã Ea Sol, vụ đầu cho thu hoạch sau 9 tháng trồng; những vụ tiếp theo khoảng 6 tháng đã cho thu hoạch, vì khi cây mẹ được vài tháng tuổi đã đẻ nhiều cây chuối con. Khi thu hoạch buồng chặt bỏ cây mẹ thì cây con bắt đầu lớn nhanh, 6 tháng sau tiếp tục thu hoạch. Như vậy, trong những năm tiếp theo, mỗi năm có thể thu hoạch 2 vụ, lợi nhuận có thể gấp đôi năm đầu tiên.

Sắp tới, anh Triều dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối; đồng thời nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng; liên kết với các hộ trồng chuối tiêu hồng khác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, từ mô hình trồng chuối tiêu hồng của anh Triều, tại thôn Ea Dú, xã Ea Sol có thêm 10 hộ trồng chuối với diện tích khoảng 30 ha.

Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.