Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea Na thi đua phát triển kinh tế

08:09, 31/05/2021

Hưởng ứng phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, những năm qua, Hội LHPN xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã tích cực vận động hội viên thực hiện nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay trong phát triển kinh tế.

Là một trong những hộ có diện tích trồng vải lớn nhất tại địa phương, chị Nguyễn Thị Thêu (thôn Quỳnh Ngọc) cho biết: “Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây vải nên năm 2015, gia đình mạnh dạn mua 5 ha đất đầu tư trồng 1.700 gốc vải. Nhờ học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm qua sách báo, truyền hình cũng như tham quan các mô hình trồng vải ở các địa phương khác mà gia đình biết quy trình chăm sóc vải theo các giai đoạn”.

Năm nay, do điều kiện khí hậu tốt kết hợp với chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn vải có tỷ lệ đậu trái cao, gia đình chị ước tính thu được khoảng 70 tấn vải, với giá bán từ 50 - 60 nghìn đồng/kg cho thu nhập khoảng 500 – 600 triệu đồng/ha. Mô hình trồng vải không chỉ mang về thu nhập đáng kể cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và việc làm thời vụ cho hơn 30 lao động địa phương.

Mô hình trồng vải của gia đình chị Nguyễn Thị Thêu.
Mô hình trồng vải của gia đình chị Nguyễn Thị Thêu.

Những năm gần đây, nhờ vào mô hình nhóm tiết kiệm xoay vòng vốn mà nhiều phụ nữ nghèo tại thôn Ea Tung đã xây dựng được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình. Tham gia tổ tiết kiệm vay vốn của Chi hội phụ nữ thôn từ năm 2017, chị Hoàng Kim Liên đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Liên cho hay: “Những năm qua, nguồn vốn tiết kiệm của tổ đã luôn đồng hành cùng gia đình tôi trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ những ngày điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, được hỗ trợ vay 10 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản, đến nay tôi đã nhân lên được 8 con, tạo nguồn thu nhập ổn định. Khi có điều kiện hơn, tôi vẫn tích cực tham gia góp vốn tiết kiệm để giúp các chị em khác cùng phát triển”.

 
Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình hội viên phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp, từng bước khẳng định sự phát triển của các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ, đóng góp tích cực vào lộ trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn”.
 
Chị Hòa Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Na

Được biết, mô hình Tổ tiết kiệm vay vốn của phụ nữ thôn Ea Tung đi vào hoạt động từ năm 2017. Ban đầu chi hội chỉ có 176 hội viên tham gia, nay đã phát triển lên trên 200 thành viên, số tiền đóng góp cũng tăng dần. Đến nay, quỹ tiết kiệm của chi hội là hơn 1,2 tỷ đồng, cho trên 50 lượt chị em vay. Với số vốn này, chị em có điều kiện buôn bán nhỏ hoặc trồng trọt, chăn nuôi, nuôi con cái ăn học, mua sắm vật dụng trong gia đình. Nhờ đó cuộc sống gia đình các thành viên đều được cải thiện hơn nhiều so với trước đây.

Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, Hội LHPN xã đã tổ chức khảo sát đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ về phát triển kinh tế gia đình; đánh giá, phân loại gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng tham gia của hội viên phụ nữ để tập trung phát triển. Đồng thời, tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", thực hiện tốt những chủ trương về phát triển kinh tế gia đình và đăng ký với Hội cấp trên thực hiện mô hình phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã có trên 30 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Đại diện Hội LHPN huyện Krông Ana và Hội LHPN xã Ea Na trao vốn khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ xã Ea Na.
Đại diện Hội LHPN huyện Krông Ana và Hội LHPN xã Ea Na trao vốn khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ xã Ea Na.

Cùng với đó, Hội LHPN xã rà soát các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí, tín chấp cho vay vốn, giúp đỡ về cây, con giống và khoa học kỹ thuật. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đã duy trì và mở rộng mô  hình tiết kiệm tại 12/12 chi hội với trên 1.500 thành viên, qua đó giúp 5 hội viên thoát nghèo; ký kết ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 13 tỷ đồng cho trên 400 chị em vay phát triển kinh tế; mở lớp dạy nghề may, tạo việc làm mới cho 35 hội viên phụ nữ.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.