Quản lý các công trình xây dựng trong quá trình đô thị hóa
Trước tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mau chóng và mạnh mẽ như hiện nay thì việc tăng cường năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đối với những công trình xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cần phải được quan tâm, chú trọng hơn.
“Muôn hình vạn trạng”công trình trái phép
Thời gian qua, trên địa TP. Buôn Ma Thuột có hàng chục công trình xây dựng trái phép được người dân, báo chí phát hiện và phản ánh, buộc các ngành chức năng, cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc. Theo đó, có hàng chục công trình xây dựng bị dỡ bỏ, đình chỉ (hay tạm dừng) thi công để làm rõ trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Tổ hợp biệt thự của Công ty TNHH Xây dựng Nam Sơn xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc khu phố 7, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột . Ảnh: Thái Thế |
TP. Buôn Ma Thuột hiện có tổng diện tích tự nhiên hơn 377 km2, trong đó đã có gần 200 km2 được đô thị hóa, chiếm tỷ lệ khoảng 65%, cao hơn mức trung bình của khu vực Tây Nguyên và cả nước là 58%. (Báo cáo đánh giá hiện trạng quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng TP. Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Xây dựng)
|
Thực tế các công trình xây dựng trái phép mọc lên với “muôn hình vạn trạng” - từ nhà ở hộ gia đình, tổ hợp chung cư, biệt thự, khu đô thị… cho đến điểm du lịch sinh thái, vui chơi, nghỉ dưỡng đều xảy ra tình trạng sai phạm phổ biến: xây dựng trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, hoặc là chưa được cấp phép, hay làm sai với quy hoạch ban đầu. Đơn cử như các công trình: Khu du lịch trải nghiệm của Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (xã Hòa Thắng); Tổ hợp biệt thự của Công ty TNHH Xây dựng Nam Sơn (phường Tân Lợi); Khu nhà ở liền kề dành cho người có thu nhập thấp của Công ty Đầu tư công nghệ Seagol (phường Tân Thành); Khu đô thị Eco City Premia (phường Tân An). Đến nay, trừ Khu đô thị Eco City Premia, cấp có thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục, dỡ bỏ một số hạng mục không có trong quy hoạch xây dựng ban đầu, còn những công trình/dự án đã nêu đều bị xử phạt theo luật định và dừng thi công theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều công trình nhà ở kiên cố được xây cất trên đất nông nghiệp, rừng cảnh quan, rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn thành phố, khiến “bài toán” quy hoạch, quản lý nhà nước về lĩnh vực này càng thêm nan giải.
Ông Tôn Thất Quốc Anh, Phó Trưởng Phòng Quy hoạch và Kiến trúc (Sở Xây dựng) cho rằng, vấn đề nan giải ở đây là tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong lĩnh vực vốn phức tạp và nhạy cảm này đã ít nhiều hạn chế, thậm chí triệt tiêu vai trò tương tác, kích cầu nền kinh tế nói chung, kết hợp với chỉnh trang đô thị nói riêng trong quá trình mở rộng và phát triển. Vì thế cần xác lập quy chế rõ ràng và thống nhất từ các cấp, ngành liên quan đến chính quyền xã, phường về công tác giám sát, quản lý và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột hiện nay cũng như trong tương lai.
Xác lập quy chế và công cụ quản lý
Theo Sở Xây dựng, hiện nay có nhiều khu đô thị mới đang được mở ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột với tổng diện tích khoảng 3.850 ha (diện tích hiện hữu là hơn 5.720 ha), trong đó tập trung vào 5 vùng trọng điểm thuộc các phường, xã: Tân An, Tân Lợi, Tự An, Ea Tu và Ea Kao. Một khi những khu đô thị mới này được quy hoạch, phê duyệt thì các công trình xây dựng (nhất là nhà ở, tổ hợp khu dân cư) tất yếu sẽ mọc lên - và lúc đó vấn đề kiểm soát quy hoạch, quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng trở nên "nóng bỏng" hơn.
Khu nhà ở liền kề dành cho người có thu nhập thấp của Công ty Đầu tư công nghệ Seagol xây dựng khi chưa được cấp thẩm quyền cấp phép tại đường Y Ơn, phường Tân Thành. |
Những khu đô thị trên được quy hoạch dựa trên tính chất, cấu trúc đô thị hiện hữu gắn với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội vốn có tại chỗ. Theo quy hoạch, TP. Buôn Ma Thuột, bao gồm các khu đô thị cũ và mới đều tuân thủ hai “trụ cột” cơ bản là công trình phục vụ phát triển và hình thành, bảo tồn vành đai (không gian) xanh nhằm tạo nên bản sắc riêng cho đô thị này.
Để bảo đảm và giữ vững nguyên tắc, ý tưởng quy hoạch ấy thì vấn đề quy chế quản lý quy hoạch, cũng như công cụ giám sát trong quá trình đô thị hóa ở đây phải được quan tâm đúng mức, nhất là các khu vực đã có quy hoạch chi tiết, đã được cấp thẩm quyền phê duyệt thì càng nên cương quyết và mạnh tay xử lý những công trình xây dựng sai phạm hoặc nóng vội, thiếu tầm nhìn như đã xảy ra trong thời gian qua. Theo đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng phải được các ban, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn nhằm thể hiện ý chí thống nhất xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Quyết định số 1194/QĐ-TTg, ngày 27-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Phương Đình