Multimedia Đọc Báo in

Đầu ra sầu riêng gặp khó trong "mùa COVID"

07:47, 29/07/2021

Đắk Lắk đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch sầu riêng, tuy nhiên tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang diễn biến phức tạp khiến đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Trong khi, TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin cũng phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ nên sản phẩm bị tồn đọng nhiều.

Đầu ra đang chững lại

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 12.224 ha sầu riêng, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 5.216 ha, sản lượng hơn 103.200 tấn. Cây sầu riêng được trồng khá phổ biến ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Cư M’gar, TX. Buôn Hồ…

Trong đó, huyện Krông Pắc được mệnh danh là "thủ phủ sầu riêng" của Đắk Lắk, với 3.407 ha (diện tích trong giai đoạn kinh doanh là 2.500 ha), tổng sản lượng khoảng 40.000 tấn. Năm 2020, tổng giá trị của sầu riêng đạt 1.500 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị toàn ngành trồng trọt của huyện. Cây sầu riêng đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân hằng năm.

Tuy nhiên năm nay, vụ thu hoạch lại rơi trúng đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên việc giao thương sản phẩm ra bên ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong khi nhiều nhà máy chế biến sản phẩm bị phong tỏa khiến đầu ra của sầu riêng gần như chững lại.

Thu hoạch sầu riêng ở huyện Krông Pắc  (ảnh chụp trước ngày 24-7-2021).
Thu hoạch sầu riêng ở huyện Krông Pắc.

Ông Trần Nhất Duy (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) cho biết, năm nay gia đình có trên 3 tấn sầu riêng Ri6 đã đến vụ thu hoạch, tuy nhiên do dịch bệnh nên thương lái miền Tây không đến lấy hàng như mọi năm được. Hiện người trồng sầu riêng đang thấp thỏm, đứng ngồi không yên, vì nếu không cắt trái kịp thì cây nuôi không được và sang năm cây yếu, năng suất sẽ đạt thấp.

Còn chị Nguyễn Thị Phụng, thương lái buôn sầu riêng ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) chia sẻ, thời điểm này năm ngoái, giá sầu riêng Ri6 là 50 – 60 nghìn đồng/kg, còn năm nay giảm còn khoảng 20 – 30 nghìn đồng/kg mà vẫn không ai dám "ôm" hàng vì dịch bệnh, xe cộ vận chuyển khó khăn. Còn sầu riêng truyền thống thì rụng đầy vườn, không ai quan tâm lắm nên các nhà vườn đem bán dọc các con đường với giá từ 7 – 10 nghìn đồng/kg. Khó khăn hơn là vùng sầu riêng của TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả đều trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên sầu riêng của người dân gần như không thông thương được.

Theo Hội Cây ăn quả tỉnh, hiện nay sản lượng sầu riêng Ri6 và sầu riêng truyền thống của các hội viên khoảng 1.000 tấn. Trước đây, vùng nguyên liệu sầu riêng của Hội chủ yếu bán cho các tỉnh phía Nam, trong đó có phối hợp với tỉnh Sóc Trăng, cung cấp sản phẩm để phục vụ cho sản xuất bánh pía. Nhưng hiện nay các tỉnh đều thực hiện Chỉ thị 16 nên xe vận chuyển trái cây không vào được. Đắk Lắk lại không có kho cấp đông đủ lớn để dự trữ, bảo quản sản phẩm hỗ trợ nông dân. Hiện sầu riêng của bà con chín nhiều nhưng không ai mua. Hội cũng đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng cho nông dân.

Cần có phương án hỗ trợ cho nông dân

Hiện nay, các loại sầu riêng như Dona da xanh, Monthoong, Ri6... trồng tại Đắk Lắk phần lớn được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc càng kiểm soát chặt hơn quy trình nhập khẩu nông sản nên tình hình xuất khẩu sầu riêng của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Người dân mua sầu riêng tại đường Y Nuê, TP. Buôn Ma Thuột (ảnh chụp lúc 15 giờ 30 ngày 22-7-2021).
Người dân mua sầu riêng tại đường Y Nuê, TP. Buôn Ma Thuột (ảnh chụp lúc 15 giờ 30 ngày 22-7-2021).

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc thông tin, trước nỗi lo của bà con nông dân, địa phương đã tổng hợp diện tích sầu riêng cũng như ước tính dự kiến sản lượng năm nay.

Đồng thời, làm việc với các cơ sở thu mua, đóng gói trên địa bàn để trên cơ sở đó đề xuất với Sở Công thương, Sở NN-PTNT xây dựng giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho bà con trong trường hợp không tiêu thụ được do dịch bệnh.

Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương về vấn đề xây dựng Chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sầu riêng Krông Pắc để khi thị trường có nhiều biến động thì sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn được duy trì ổn định. Đây là giải pháp căn cơ ứng phó với những biến động của thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Sở NN-PTNT cũng cho biết, ngay từ đầu vụ thu hoạch, Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp và tổng hợp số liệu về sản lượng các nông sản chính cần kết nối tiêu thụ để có phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh.

Sở đã yêu cầu UBND cấp huyện chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch như sầu riêng.

Đồng thời, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết. Trên cơ sở dữ liệu đó, ngành nông nghiệp sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của địa phương…

Đối với các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương, trong tình hình hiện nay, cần thiết phải ban hành quy chuẩn từ khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ đảm bảo các yếu tố sát khuẩn, điều kiện phòng chống dịch… Đây là yếu tố mà các bộ, ngành Trung ương cần phải thống nhất ban hành để khi vận chuyển, chúng ta bảo đảm được yếu tố an toàn nhằm lưu thông trong nước cũng như xuất khẩu, tránh trường hợp mỗi nơi quy định mỗi khác, gây khó khăn trong việc lưu thông tiêu thụ sản phẩm.

Thuận Nguyễn - Đan Thanh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.