Người dân vùng dịch Ea Súp thêm khó vì lúa vụ ba thất thu
Trong lúc đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, người dân vựa lúa Ea Súp còn thêm khó khăn, thiệt hại kinh tế khi lúa vụ ba thất thu.
Huyện Ea Súp là vựa lúa lớn của tỉnh, cung cấp lương thực cho khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Ngay sau khi thu hoạch vụ đông xuân, người dân một số địa phương không cho đất "nghỉ" trước khi sản xuất vụ hè thu mà tranh thủ xuống giống một vụ nữa, gọi là vụ ba. Những năm trước, vụ này tuy năng suất không cao lắm, nhưng ít rủi ro, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng diện tích. Năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại huyện biên giới đúng thời điểm thu hoạch lúa nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nông dân xã Ea Bung (huyện Ea Súp) khắc phục lúa bị gãy đổ. |
Cụ thể, trong bối cảnh giãn cách xã hội toàn huyện theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ đối với xã Ea Bung nên việc tìm nhân công thu hoạch rất khó khăn do người dân hạn chế ra ngoài. Không những thế, thời điểm thu hoạch lại hay có mưa, việc phơi lúa rất vất vả, do đó đa phần người dân muốn bán lúa tươi. Ngặt nỗi, xe cộ lưu thông để vận chuyển hàng hóa cũng ngừng hoạt động đến 90% nên lúa thu hoạch xong rất khó bán, chưa kể giá lúa cũng rất thấp, dao động khoảng 4.900 – 5.700 đồng/kg, trong khi bình thường có giá 6.000 - 6.200 đồng/kg. Một số hộ còn phải chở lúa đến tận nơi bán vì không phơi được do thiếu mặt bằng và trời mưa thường xuyên. Gia đình anh Nguyễn Quốc Lưu (thôn 5, thị trấn Ea Súp) vụ này canh tác hơn 4 sào lúa, vừa thu hoạch được 2,5 tấn lúa. Trước khi gặt, thương lái hứa hẹn mua giá 5.700 đồng/kg, nhưng gặt xong thì chỉ mua với giá 5.200 đồng/kg vì lý do không có xe vận chuyển. Do giá quá thấp, anh chấp nhận chở lúa về nhà phơi. Anh cho biết, với giá lúa như hiện nay thì nông dân hầu như không có lãi.
Những người đã thu hoạch lúa tuy thiệt hại vì giá thấp, nhưng còn có thu nhập. Số còn lại chưa thu hoạch lúa thì đứng ngồi không yên vì dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, trong khi lúa gặp mưa bị gãy, đổ rạp xuống. Vụ này, chị Vũ Thị Sen (thôn 2, xã Ea Bung) gieo trồng 1,4 ha các loại giống lúa mới. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên diện tích lúa phát triển tốt, gia đình chị rất hy vọng vào vụ lúa bội thu. Tuy nhiên, thời điểm chuẩn bị gặt thì trời mưa lớn liên tục khiến lúa đổ ngã, úng ngập. Chị rất lo lắng vì lúa gãy đổ ngâm nước nhiều ngày sẽ bị thâm, lên mầm thì giá bán thấp, trong khi lúa này không gặt máy được mà phải thuê nhân công gặt tay với tiền công 250.000 đồng/người/ngày. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều nông dân tại huyện Ea Súp. Người dân một số địa bàn phải tranh thủ xuống đồng để thu hoạch lúa chín hoặc dựng lúa bị đổ lên. Riêng tại những khu vực đang phong tỏa hoặc thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ thì một số nông dân buộc phải chấp nhận để lúa trên đồng chờ thu hoạch sau.
Người dân thị trấn Ea Súp tranh thủ phơi lúa chờ tăng giá mới bán. |
Trên địa bàn huyện Ea Súp có khoảng 3.000 ha lúa vụ ba, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Bung, Ya Tờ Mốt và thị trấn Ea Súp. Người dân chủ yếu trồng các loại giống lúa năng suất cao như OM 5451, OM 5954, TBR 225, Đài thơm 8, ST 24, ST 25. Năng suất lúa năm nay đạt khoảng 6 – 7 tạ/sào. Không chỉ gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 xảy ra vào thời điểm thu hoạch mà trong giai đoạn chăm sóc, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng cao, nên vụ lúa này của nông dân huyện Ea Súp thất thu đáng kể.
Minh Trang