Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong quản lý thương mại điện tử (Kỳ 2)

08:22, 02/07/2021

Kỳ 2:  Kiểm soát kinh doanh trên mạng: Những vấn đề đặt ra

Xu hướng kinh doanh mới đã tạo cơ hội làm ăn cho nhiều người. Tuy nhiên, gian lận thương mại trên môi trường mạng cũng bùng phát mạnh mẽ hơn, do lượng giao dịch lớn. “Cuộc chiến” với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vì thế trở nên gian nan hơn với lực lượng chức năng.

"Lật tẩy" các thủ đoạn gian lận trên môi trường mạng

Thực trạng thời gian qua cho thấy, hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên các trang mạng xã hội đang là vấn đề đáng quan ngại. Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh chỉ ra, với ba loại hình thương mại điện tử (TMĐT) là sàn giao dịch TMĐT, bán hàng trên mạng xã hội và bán hàng trên website TMĐT, nếu không có sự kiểm soát tốt thì đây sẽ là mối nguy đối với tình hình gian lận thương mại tại Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, theo ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk, mặc dù đạt được một số hiệu quả nhất định bước đầu trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng, tuy nhiên, tình hình vi phạm ở lĩnh vực này tương đối nhức nhối. Thực tế, kinh doanh trên nền tảng TMĐT đã xuất hiện nhiều “chiêu trò” mới với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Tổ công tác Thương mại điện tử - Truyền thông (Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) nghiên cứu thông tin và theo dõi hoạt động bán hàng qua mạng Internet trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác Thương mại điện tử - Truyền thông (Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) nghiên cứu thông tin và theo dõi hoạt động bán hàng qua mạng Internet trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, đây là lĩnh vực mới, lực lượng QLTT cũng mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu thông tin và theo dõi hoạt động bán hàng qua mạng. Phần lớn các đối tượng kinh doanh online đều rất khó xác định địa chỉ, nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể, một số đối tượng còn tận dụng công nghệ để xóa bỏ dấu vết, "ẩn danh" trên mạng Internet gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác minh thông tin.

Cụ thể như, đối với website: đối tượng thường khóa website, cho website ngừng hoạt động khi lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra, thậm chí một số đối tượng còn cố tình chống chế, không thừa nhận mình là chủ sở hữu website.

Đối với việc bán hàng online, các đối tượng thường sử dụng Facebook ảo hoặc thuê tài khoản Facebook của người khác để livestream bán hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định đối tượng vi phạm; không cung cấp địa chỉ để người mua đến nhận hàng, xem hàng trực tiếp nhằm che giấu địa điểm bán hàng; thường xuyên thay đổi địa điểm kho hàng hoặc thuê những vị trí ở vùng sâu, vùng xa, nơi ít dân cư để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng; chủ yếu bán hàng tại nhà riêng, không có biển hiệu cơ sở kinh doanh, lực lượng QLTT không thể chủ động kiểm tra, xử lý…

Để qua mặt người tiêu dùng, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng thường sử dụng những hình ảnh bắt mắt, có thể là hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để rao bán, quảng cáo với giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng kinh doanh cố định, khi khách hàng hỏi mua thì thường chỉ nhận nhắn tin riêng; lập nhiều tài khoản Facebook để chạy quảng cáo, sử dụng hình thức livestream để quảng cáo, bán sản phẩm thay vì dùng hình ảnh tĩnh như trước…

Tăng cường kiểm tra, công khai vi phạm

Từ đầu năm đến nay, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai trong toàn lực lượng tăng cường theo dõi, thu thập thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng số để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng. Trong thời gian ngắn, Cục QLTT Đắk Lắk đã theo dõi, tấn công vào các kho, bãi, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trên môi trường mạng Internet với số lượng hàng hóa tương đối lớn. Nhiều vụ việc nổi cộm được xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe đối với gian thương cố tình lợi dụng mạng xã hội để buôn bán hàng hóa vi phạm, thu lợi bất chính.

Kiểm đếm số hàng hóa vi phạm tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột được rao bán trên các trang mạng xã hội.
Kiểm đếm số hàng hóa vi phạm tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột được rao bán trên các trang mạng xã hội.

Thế nhưng, theo Cục QLTT Đắk Lắk, cùng với sự đổi mới của công nghệ, TMĐT chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng, các quy định pháp luật ở lĩnh vực này cần được nghiên cứu kỹ hơn nữa để phù hợp với thực tế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm trên thị trường. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TMĐT là Nghị định số 52/2013/ NĐ-CP, ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT được xây dựng khá chi tiết, căn bản đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý.

Tuy nhiên, do được xây dựng ở giai đoạn đầu hình thành của TMĐT nên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được đề cập và không còn phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay, gây khó khăn cho quá trình áp dụng của cơ quan chức năng. Nổi bật là giao dịch mua bán qua mạng xã hội chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến khiến việc kiểm soát chưa thật sự tốt; về mặt pháp lý cần tăng khung hình xử phạt, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT, quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và trách nhiệm của đơn vị quản lý …

Do đó, việc nghiên cứu để có công cụ pháp lý phù hợp hơn với hoạt động của loại hình này là cần thiết, giúp làm "sạch" môi trường kinh doanh, tránh thất thu thuế cho Nhà nước và gây dựng niềm tin với người tiêu dùng khi có giao dịch mua hàng qua mạng.

Dự báo thời gian tới, tốc độ phát triển TMĐT sẽ còn tăng cao nên công tác kiểm tra, kiểm soát cần chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn nữa. Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk cho biết, với vai trò đơn vị chủ công trong kiểm tra thị trường, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, kịp thời nắm bắt các thủ đoạn, phương thức mới để xử lý vi phạm; kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động TMĐT.

Ngoài ra, lực lượng QLTT cần được đầu tư về công nghệ để chủ động xử lý các vụ gian lận trên môi trường mạng, từng bước đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm. Cũng theo ông Toàn, vấn đề công khai danh tính vi phạm là điều cần thiết để minh bạch và siết chặt quản lý ở lĩnh vực này. Cục đang tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý nhà nước.

Ở khía cạnh khác, ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho rằng, dịch COVID-19 đang thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng tích cực. Để nắm bắt cơ hội này, các nhà kinh doanh TMĐT cũng cần nâng cao trách nhiệm, cung cấp những dịch vụ đáng tin cậy để duy trì sự tăng trưởng.

Tổng cục QLTT đã kiến nghị, tham mưu cho Bộ Công thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/ NĐ-CP, ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT. Trong đó, coi và đối xử bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống, yêu cầu TMĐT phải tuân thủ những quy định như thương mại truyền thống.

Trâm Anh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.