Multimedia Đọc Báo in

Khi phụ nữ là trụ cột gia đình

14:54, 12/11/2010
Khi chồng chết sớm, phụ nữ phải tự mình gánh vác mọi công việc gia đình, từ làm kinh tế đến nuôi dạy con cái và tham gia các hoạt động xã hội. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng bằng ý chí, nghị lực cùng với sự giúp đỡ, động viên của chính quyền, Hội Phụ nữ, họ đã vượt qua mọi khó khăn làm chủ cuộc sống của mình.
 
Năm 1999, vợ chồng chị Lê Thu Bình (thôn Tam Lập, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) chuyển từ Hải Dương vào Dak Lak sinh sống. Đến vùng đất mới được một năm còn nhiều bỡ ngỡ, cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng   chồng chị Bình lại lâm bệnh nặng. Thương chồng nên có ít tài sản nào, chị bán hết lo chạy chữa cho anh nhưng cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Anh mất, chỗ dựa tinh thần là 2 con nhỏ, chị cố gắng đứng vững. Không có đất canh tác, chị vừa đi làm thuê lại chăn nuôi heo để lo cho con ăn học. Được Hội Phụ nữ xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách-Xã hội vay tổng cộng 24 triệu đồng, chị tính toán hướng phát triển kinh tế mới bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”. Đầu tiên, chị tập trung vốn đầu tư nấu rượu, chăn nuôi heo.  Sau 9 năm chăm chỉ làm ăn lại biết chi tiêu tiết kiệm, chị đã dành dụm đủ tiền mua mảnh đất gần chợ trung tâm xã Ea Tam, mở cửa hàng tạp hóa và xây một căn nhà cấp 4 làm chỗ ở kiên cố cho 3 mẹ con. Niềm động viên tinh thần lớn nhất của chị là 2 con đều ngoan ngoãn, biết phụ giúp mẹ việc nhà lại chăm chỉ học hành. Hiện con trai đầu của chị đang học ở Đại học Tây Nguyên, con gái út học lớp 12. “Mình không có tài sản gì cho con, thấy chúng ham học nên chỉ biết ráng làm để cho con cái chữ”, chị Bình bày tỏ.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) cũng có hoàn cảnh tương tự. Lập gia đình từ năm 1983, chung sống với nhau được 12 năm có 4 con thì anh Trương Văn Nhạc (chồng chị) bị bệnh xơ gan cổ trướng. Mẹ con chị quyết định bán hết nhà cửa, rẫy cà phê đưa anh đi chữa trị khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng cũng chẳng thu được kết quả gì. Chồng chết, mọi gánh nặng cơm áo, gạo tiền, lo cho con ăn học đều dồn lên đôi vai chị. Tài sản không còn gì, 5 mẹ con phải chị dựng tạm căn nhà gỗ để làm nơi che mưa che nắng. Được Hội Phụ nữ xã tín chấp vay 7 triệu đồng, chị đầu tư chăn nuôi heo, chăm sóc 1 sào lúa nước nên cũng kiếm đủ cái ăn. Để có thêm tiền lo cho con học, chị tranh thủ đi đến các thôn, buôn thu mua nông sản về bán lại. Thương chị Thanh vất vả ngược xuôi, hội viên phụ nữ thôn 6 thường xuyên tới thăm hỏi, động viên, đóng góp ngày công giúp gia đình thu hoạch lúa. Năm 2010, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng nhà theo chương trình 167, bà con hàng xóm ai cũng vui mừng, người góp công, người cho mượn thêm tiềm nên mẹ con chị đã xây được căn nhà khang trang, kiên cố, không còn lo sợ khi trời mưa bão. “Xác định mình là trụ cột gia đình nên tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức chăm lo cho các con, bù đắp phần nào sự thiếu thốn tình cảm của người cha. Mặc dù khó khăn, vất vả cũng nhiều nhưng nhìn thấy các con ngoan ngoãn là tôi vui rồi. Hiện hai cháu lớn đã có việc làm, hai cháu nhỏ đang học đại học, cao đẳng nên dù sức khỏe yếu, thường đau ốm, tôi vẫn cố gắng làm để lo cho chúng đến nơi đến chốn”, chị Thanh thổ lộ.
Hội viên phụ nữ thăm hỏi, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông).
Hội viên phụ nữ thăm hỏi, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông).

Tương tự, chị H’Un Byă (Amí Linh) ở buôn Ngô B, (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) cũng trở thành trụ cột gia đình khi mới 31 tuổi. Suốt 7 năm chồng đau ốm, lại bị mù một mắt, nên mình chị vừa lo toan công việc gia đình, vừa chăm sóc, chạy chữa cho anh và nuôi 3 con nhỏ ăn học. Nghe ai chỉ ở đâu có bác sĩ giỏi, chị đều cố gắng đưa chồng đến tận nơi thăm khám nên dần dần đàn trâu, bò gần 20 con cũng bán hết mà bệnh tình của chồng không hề thuyên giảm. Năm 1999, anh Y Phi Êban (chồng chị) qua đời và cũng kể từ đó đến nay, chị vừa là người mẹ và cũng là người bố của gia đình. Không chỉ mở tiệm tạp hóa, chị còn chăm sóc 7 sào ruộng và chăn nuôi heo, thời điểm nhiều nhất lên tới 25 con. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và những cố gắng, nỗ lực của mình, chị H’Un đã nuôi 3 con ăn học đàng hoàng, 2 cháu đầu hiện đang học đại học, con út cũng đã học đến lớp 12 và năm nào cũng đạt học sinh khá, giỏi. Điều đáng nói, dù chỉ có một mình lo toan mọi công việc gia đình, nhưng chị H’Un vẫn sắp xếp thời gian tham gia công tác Hội. Với trách nhiệm của một Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Ngô B, cộng tác viên dân số và y tế thôn bản của buôn, chị đã hăng hái, nhiệt tình phát động các phong trào thi đua, hướng dẫn chị em phát triển kinh tế, vận động mọi người sinh đẻ kế hoạch… góp phần đưa buôn Ngô trở thành buôn văn hóa từ năm 2006. Bản thân chị còn trực tiếp tham gia các cuộc thi phụ nữ cơ sở giỏi và đạt nhiều giải cấp huyện, tỉnh. Chị Vũ Thị Tầm, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Phong cho biết, nghị lực vượt khó của chị H’Un đã trở thành tấm gương sáng cho hội viên phụ nữ xã học tập noi theo.
Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị H’Un Byă (buôn Ngô B, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông)
Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị H’Un Byă (buôn Ngô B, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông)
Cũng như chị Bình, chị Thanh, chị H’Un, những phụ nữ là trụ cột gia đình trên địa bàn tỉnh không những làm tròn trách nhiệm đối với gia đình mà còn tích cực tham gia hoạt động xã hội. Họ đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh, đức tính người phụ nữ Việt Nam “công, dung, ngôn, hạnh”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Nguyễn Xuân
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.