Multimedia Đọc Báo in

Qua 6 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở: Tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở hơn

09:49, 24/04/2011

Xác định thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) đạt kết quả tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, ngày 21-9-2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 521-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC cơ sở. Ngay sau khi thành lập, BCĐ thực hiện QCDC đã ban hành được quy chế hoạt động; phân công trách nhiệm phụ trách việc thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho các thành viên BCĐ; đồng thời, chỉ đạo BCĐ thực hiện QCDC các cấp, các ngành tiến hành củng cố, kiện toàn BCĐ thực hiện QCDC cơ sở.

Cùng với việc tham mưu cho cấp ủy ban hành Chương trình thực hiện Kết luận 65-KL/T.Ư ngày 4-3-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, BCĐ đã xây dựng kế hoạch, công văn chỉ đạo BCĐ các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về thực hiện QCDC ở cả 3 loại hình cơ sở (dân chủ trong cơ quan hành chính, dân chủ trong doanh nghịêp và dân chủ ở xã, phường). Ngoài phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo BCĐ các cấp, các ngành tích cực tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan đến QCDC của Trung ương và của tỉnh, trong 6 năm qua, BCĐ đã tổ chức cấp phát 12.000 cuốn tài liệu các loại về QCDC cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Trong năm 2008, BCĐ thực hiện QCDC tỉnh đã tổ chức tập huấn về QCDC cho các thành viên BCĐ thực hiện QCDC của tỉnh, các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố với 200 người tham dự nhằm phổ biến, quán triệt Pháp lệnh 34, Nghị định 87, những nội dung cơ bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh, nghị định và một số chuyên đề có liên quan đến việc thực hiện QCDC cơ sở.

Bên cạnh xây dựng kế hoạch hoạt động; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện QCDC, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục, 6 năm qua, BCĐ đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cả 3 loại hình: xã, phường, thị trấn; doanh nghiệp; hành chính sự nghiệp với gần 10 đơn vị. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hoạt động tích cực của BCĐ thực hiện QCDC, đến nay, hầu hết các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp và các huyện, thị, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã củng cố, kiện toàn BCĐ đồng thời có sự phân công thành viên theo dõi thực hiện QCDC. Trong đó, 95% cơ quan, địa phương, đơn vị đã ban hành được QCDC trong hoạt động là điều kiện tiên quyết để thực hiện có hiệu quả những việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được biết, được tham gia ý kiến và được giám sát kiểm tra theo Nghị định 71, 07, 87 của Chính phủ, Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện QCDC trong cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp và xã, phường, thị trấn.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân nên người dân thôn 12, xã Pơng Drang (Krông Buk) đã tự nguyện đóng góp gần 150 triệu đồng để làm đường giao thông nội thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. (Ảnh: Lê Ngọc Thạch)
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân nên người dân thôn 12, xã Pơng Drang (Krông Buk) đã tự nguyện đóng góp gần 150 triệu đồng để làm đường giao thông nội thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. (Ảnh: Lê Ngọc Thạch)

Song song với việc chỉ đạo thực hiện tốt QCDC trong hoạt động của các cơ quan hành chính sự nghiệp; doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, BCĐ đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện QCDC ở các xã, phường, thị trấn. Tiếp tục thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; các huyện, thị, thành ủy đã chỉ đạo cấp ủy xã, phường, thị trấn, phân công thành viên trong đảng ủy phụ trách thôn, buôn, tổ dân phố để triển khai thực hiện QCDC, gắn việc thực hiện QCDC cùng với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Những vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được các xã, phường, thị trấn quan tâm thực hiện. Đặc biệt là việc thông báo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng như: Việc quản lý sử dụng đất, chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền bù giải phóng mặt bằng; các khoản phí, lệ phí; việc triển khai xây dựng các công trình phục vụ dân sinh đã được lồng ghép phổ biến trong các cuộc họp dân ở thôn, buôn, tổ dân phố, hoặc niêm yết nơi công cộng. Hoạt động của bộ phận “một cửa” ở xã, phường, thị trấn tiếp tục đi vào nền nếp, phục vụ quyền lợi nhân dân ngày càng tốt hơn, nâng cao hiệu quả phục vụ, hạn chế dần tình trạng dân chờ đợi kéo dài thời gian giải quyết.

Qua thực hiện Pháp lệnh 34, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý các vụ việc tồn đọng đã được các cấp, các ngành quan tâm. Ở cấp tỉnh, Thường trực HĐND và UBND tỉnh đã thực hiện tiếp dân định kỳ vào ngày 15 hằng tháng và tổ chức tiếp đột xuất khi cần thiết, đồng thời chỉ đạo Thanh tra tỉnh tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đều được các cấp, các ngành tiếp nhận phân loại xử lý kịp thời và hướng dẫn chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; các vụ việc thuộc thẩm quyền đã được xác minh, kết luận và ban hành quyết định giải quyết đúng pháp luật. Các tổ hòa giải thôn, buôn, tổ dân phố đã từng bước được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong năm 2010, có hơn 2.500 vụ việc, chủ yếu là tranh chấp dân sự trong cộng đồng dân cư đã được các tổ hòa giải thôn, buôn, tổ dân phố thụ lý, hòa giải thành đạt trên 75% số vụ việc.

Có thể nói việc triển khai thực hiện QCDC trong 6 năm qua đã đạt được những kết quả khá quan trọng đó là: đã tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào chế độ, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng ở địa phương, các ngành. Kết quả do thực hiện QCDC mang lại rõ nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã, phường, thị trấn; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn và thành phố, thị trấn. Ngoài ra, đã làm chuyển biến một bước về ý thức và phong cách làm việc của cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân hơn, đồng thời, có tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở thôn, buôn, tổ dân phố.

Tuy vậy, việc tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở còn chưa vững chắc, chưa rộng khắp, chưa thường xuyên, liên tục, một số nơi còn mang tính hình thức. Dân chủ, công khai về kinh tế, tài chính chưa được triển khai sâu rộng. Dân chủ trong cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân cũng như tình trạng lợi dụng dân chủ, vi phạm kỷ cương, pháp luật còn xảy ra nhiều nơi. Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở một số nơi chưa gắn kết thật tốt với các công việc thường xuyên, nhất là cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng Mặt trận và đoàn thể. Việc giám sát, kiểm tra thực hiện QCDC vẫn còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế trên chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương và các ngành, nhất là của người đứng đầu chưa quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị 30-CT/T.Ư của Bộ Chính trị, chưa gắn QCDC với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Việc thể chế hóa Chỉ thị 30-CT/T.Ư thiếu hướng dẫn kiểm tra cấp dưới xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Mặt trận và tổ chức đoàn thể ở một số nơi chưa thật chủ động trong công tác này. Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân chủ và thực hiện QCDC trong các cơ sở đảng và trong nhân dân chưa thường xuyên, liên tục. Những nơi không thực hiện tốt QCDC thường là những nơi cán bộ mắc nhiều khuyết điểm, hệ thống chính trị cơ sở chưa được quan tâm kiện toàn,  củng cố.

Vì vậy, để việc thực hiện QCDC cơ sở đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục chỉ đạo phổ biến, quán triệt lại các văn bản có liên quan đến QCDC, tiếp tục công tác cải cách hành chính, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về lĩnh vực xét khiếu tố, xây dựng, bổ sung sửa đổi quy ước, hương ước thôn, buôn ... Vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là tăng cường nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nhằm mang lại kết quả cuối cùng là quyền làm chủ của nhân dân từng bước được nâng lên, tạo ra được ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của công dân đối với xã hội, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mai Lan Anh (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.