Những tấm lòng chia sẻ với nạn nhân da cam
Hiện nay, Dak Lak vẫn còn trên 4.500 người bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC). Ở nhiều người di chứng của CĐDC để lại vô cùng nặng nề, cơ thể không phát triển, không tự chăm sóc bản thân mà phải nhờ đến sự giúp sức của người thân trong gia đình. Thế nhưng, hầu hết gia đình của các nạn nhân CĐDC lại có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Trước nỗi đau tinh thần và khó khăn vật chất của những gia đình ấy, những năm qua, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã chung sức hỗ trợ họ với mong muốn làm vơi đi nỗi đau mà bản thân các nạn nhân và gia đình đang phải gánh chịu.
Hơn 35 năm sống trong hòa bình, nhưng hình ảnh của chiến tranh cùng thứ bột có màu trắng như muối mà quân đội Mỹ rải xuống chiến trường vẫn luôn hiện hữu trong lòng ông Nguyễn Đình Giang (thôn 3, xã Cư Ni, huyện Ea Kar). Với ông Giang, thứ bột màu trắng (mà sau này ông mới biết đó là chất độc hóa học) đã trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi ông nhìn thấy đứa con gái Nguyễn Thị Viền đã 32 tuổi nhưng chưa một lần biết gọi tên cha mẹ và cũng chưa từng ý thức được sự có mặt của mình ở trên đời. Hằng ngày, mọi sinh hoạt của Viền đều do một tay vợ ông chăm sóc, lo lắng. Vì thế, kinh tế gia đình phụ thuộc hết vào sức lao động của ông Giang. Nương rẫy thì ít, trong nhà có người bệnh lại tốn nhiều khoản chi tiêu nên bao năm qua, ông lao động quần quật vẫn không đủ trang trải; gần 20 năm sống trên đất Dak Lak, cả gia đình 5 người vẫn chỉ ở trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, rộng chưa đầy 30m2. Và may mắn đã mỉm cười khi đầu năm 2011 vừa qua, gia đình ông Giang được chính quyền địa phương và Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh hỗ trợ xây dựng căn nhà rộng 55m2 trị giá 130 triệu đồng. Sự hỗ trợ này đã giúp gia đình ông Giang vơi bớt phần nào khó khăn về kinh tế, nhưng đó lại là sự động viên tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức mạnh để vợ chồng ông vượt qua nỗi đau da cam.
Niềm vui của gia đình ông Giang trong căn nhà mới. |
Có thể thấy, sự lớn mạnh của Quỹ Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh không chỉ bởi sự đóng góp của riêng các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp mà còn có sự góp sức của rất nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh. Trường hợp của ông Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak là một ví dụ điển hình. Mặc dù bản thân là nạn nhân CĐDC, song bằng tình cảm, tấm lòng của mình, ông không chỉ hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng mà còn quyết định ủng hộ toàn bộ số tiền trợ cấp da cam hằng tháng (hơn 1,2 triệu đồng/tháng) cho Quỹ. Việc ủng hộ này bắt đầu được thực hiện từ tháng 10-2009 đến cuối đời. Không chỉ có những người từng đi qua chiến tranh mới hiểu và chia sẻ với nỗi đau da cam mà ngay cả thế hệ trẻ cũng luôn đồng hành với các nạn nhân. Chẳng hạn như, em Trần Nguyễn Kim Chi (13 tuổi, học sinh lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin). Từ lúc còn là học sinh lớp 6, sau khi xem chương trình truyền hình trực tiếp “Vì nạn nhân CĐDC” của Đài Truyền hình Việt Nam, được thấy những người bị di chứng của chiến tranh dày vò, trong đó có những bạn nhỏ bằng tuổi với mình, Chi quyết định phải làm điều gì đó dù nhỏ bé để giúp những mảnh đời bất hạnh ấy. Nói là làm, gần 2 năm qua, Chi đã giành dụm tiền ăn sáng, tiêu vặt của mình được trên 1,2 triệu đồng ủng hộ cho Quỹ Nạn nhân CĐDC tỉnh.
Không thể kể hết sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân dành cho nạn nhân CĐDC trong suốt những năm qua. Dẫu vậy, với những nạn nhân và gia đình họ, khó khăn vẫn chồng chất, nỗi đau vẫn luôn dày vò. Vì vậy, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội sẽ tiếp thêm nghị lực, niềm tin để họ vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc