Đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, tính đến hết tháng 9-2011, toàn tỉnh có hơn 1630 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó 288 bệnh nhân AIDS. Bệnh nhân HIV/AIDS tập trung chủ yếu trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột và độ tuổi từ 20 - 39 tuổi chiếm trên 82%… Tính đến thời điểm hiện tại đã có 297 trường hợp điều trị ARV, tăng 44,17% so với cùng kỳ năm 2010.
Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã tư vấn HIV miễn phí cho hơn 1.310 trường hợp, trong đó có gần 1.280 người tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện, qua đó phát hiện 36 ca có kết quả dương tính với HIV. Tuy nhiên, số khách hàng có kết quả dương tính với HIV tại phòng tư vấn xét nghiệm ở tuyến huyện còn thấp. Năm 2011, đã có 90.138 lượt người được truyền thông trực tiếp; thực hiện được 14 lần phát thanh, truyền hình và 6 bài báo về phòng chống HIV/AIDS. Trong tháng cao điểm Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hoạt động truyền thông như giao lưu, nói chuyện, treo băng rôn, cờ phướn, phát thanh, truyền hình được duy trì và đẩy mạnh hơn. Số tài liệu về phòng, chống HIV/AIDS được phát ra tăng hơn 2 lần, đặc biệt hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được sự ủng hộ và quan tâm của các ban ngành trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền được cấp chậm nên số lượt người được truyền thông trực tiếp giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2010 (năm 2010 là 103.110). Bên cạnh đó, theo bác sĩ Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cho biết: kinh phí năm 2011 được cấp chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động mở rộng điều trị HIV/AIDS ở tỉnh ta do thiếu nguồn cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm và các dụng cụ hỗ trợ khác. Tỷ lệ bỏ điều trị ARV vẫn còn cao do công tác tư vấn tuân thủ điều trị và theo dõi, chăm sóc, điều trị, hỗ trợ ngoài cộng đồng chưa thực hiện tốt. Kinh phí dành cho hoạt động can thiệp giảm tác hại còn quá thấp, chưa bảo đảm cho mở rộng địa bàn cũng như nội dung hoạt động. Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác thông tin truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như hoạt động truyền thông trực tiếp đến các đối tượng có hành vi nguy cơ cao; triển khai truyền thông trong Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS từ ngày 10-11 đến 10-12-2011 đạt hiệu quả cao; đẩy mạnh công tác tổ chức và hướng dẫn triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở vui chơi giải trí để huy động phong trào xã hội tham gia; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm tuyến dưới cũng như các cơ quan ban ngành đoàn thể, các tuyến biên giới; phổ biến và tăng cường sử dụng số liệu trong hoạch định chính sách, lập kế hoạch và triển khai dự phòng can thiệp; tận dụng nguồn của mục tiêu quốc gia để mở rộng điều trị cho bệnh nhân, đồng thời huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ quản lý chăm sóc người nhiễm HIV-AIDS.
Cả nước hiện có gần 200.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có hơn 46.000 bệnh nhân AIDS. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới, việc điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV đã góp phần rất lớn trong việc kiểm soát dịch HIV. Tuy nhiên, việc mở rộng điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn như: Một bộ phận không nhỏ người nhiễm HIV chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và điều trị; 90% nguồn thuốc ARV do các tổ chức quốc tế hỗ trợ sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới… |
Ý kiến bạn đọc