Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Ea Pôk giúp hội viên phát triển kinh tế
5 năm qua (2006-2011) các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ ở thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar) được các cấp Hội Phụ nữ (HPN) giúp đỡ dưới nhiều hình thức: tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tín chấp vay vốn, dạy nghề, vận động hội viên hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình… Từ sự giúp đỡ tận tình của tổ chức Hội và nỗ lực vượt khó của các hộ, nhiều hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn thị trấn đã vươn lên ổn định cuộc sống.
Tần tảo sớm hôm để gánh nước, bón phân, làm cỏ chăm sóc gần 1 sào rau xanh nhưng thu nhập cũng chỉ đủ cho gia đình chị Bùi Thị Mai ở thôn 5 (thị trấn Ea Pôk) đắp đổi qua ngày. Sau khi tham khảo một số mô hình trồng hoa, vợ chồng chị quyết định chuyển đổi cây trồng. Ban đầu, do không có vốn nên chị chỉ trồng được 400 cây hoa hồng. “Trồng hoa hồng hiệu quả kinh tế cao hơn, công chăm sóc cũng ít hơn trồng rau xanh nên vợ chồng tôi quyết định chọn loại cây này là cây trồng chủ lực. Nhưng khổ nỗi khó khăn về vốn đã bó chặt ý định mở rộng diện tích trồng hoa trong nhiều năm”, chị Mai chia sẻ. Năm 2008, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn tín chấp vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn 120 (vốn vay giải quyết việc làm) để đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa lên 1,5 sào. Thêm vào đó, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, bên cạnh việc trồng hoa hồng, gia đình chị cũng trồng thêm hoa cúc để tăng thu nhập. Theo tính toán của chị, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng thu lãi khoảng 30 triệu đồng từ trồng hoa. Tương tự, mặc dù sống chủ yếu bằng nghề trồng hoa nhưng trước đây do không đủ vốn nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Huề ở thôn 5 chỉ trồng được trên 1 sào, thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày. Năm 2008, từ nguồn vốn vay 10 triệu đồng do Hội LHPN thị trấn tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình chị mạnh dạn mượn thêm anh em, bạn bè đầu tư mở rộng diện tích lên 2 sào, chủ yếu là giống hoa hồng Pháp, cúc Đà Lạt. Điều đáng nói, từ tháng 3-2011, gia đình chị được chọn tham gia Dự án “Tưới nhỏ giọt cho hoa hồng” do Viện Khoa học – Kỹ thuật miền Nam tài trợ toàn bộ chi phí nên đã giúp gia đình giảm bớt nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt. “Trong đợt giải ngân sắp tới, gia đình tôi được Hội LHPN thị trấn tín chấp vay thêm 20 triệu đồng nữa nên sẽ tiếp tục đầu tư chăm sóc hoa và hy vọng thu nhập sẽ không chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu đồng mà sẽ lên đến hơn trăm triệu đồng/năm”, chị Huề cho biết.
Vườn trồng hoa của gia đình chị Nguyễn Thị Huề. |
Qua tìm hiểu được biết, nhằm giúp chị em từng bước xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, những năm qua, Hội LHPN thị trấn Ea Pôk đã cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương triển khai nhiều chương trình thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung nâng cao kiến thức cho hội viên nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Hội LHPN đặt ra. Hội đã phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho chị em cách quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả; kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, ủ phân vi sinh, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm… Để thực hiện đạt hiệu quả nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập”, trong 5 năm (2006-2011), Hội LHPN thị trấn đã tín chấp cho hội viên vay với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Song song đó, Hội LHPN thị trấn còn xây dựng, duy trì tốt mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, huy động chị em đóng góp, xây dựng quỹ tại các chi hội và duy trì 26 tổ tiết kiệm, hùn vốn với tổng số quỹ trên 590 triệu đồng cho hội viên khó khăn vay xoay vòng, lãi suất thấp. Ngoài ra, Hội còn vận động chị em có kinh tế khá giúp hội viên khó khăn vay không lấy lãi hơn 355 triệu đồng, hàng nghìn cây, con giống và ngày công. Từ các hoạt động trên, 5 năm qua, Hội LHPN thị trấn đã cùng các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương giúp đỡ 36/97 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Nhờ phát huy được nội lực mà chị em đã khắc phục khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, từ đó phong trào hoạt động của Hội ngày càng phát triển. Bên cạnh việc giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN thị trấn cũng xây dựng, duy trì và nhân rộng các Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “5 không 3 sạch”, “Không sinh con thứ ba”, “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”… vừa tạo “sân chơi” vừa giúp hội viên có thêm kiến thức xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, các chi hội phụ nữ của thị trấn còn thực hiện tốt công tác kết nghĩa giữa chi hội và hội viên phụ nữ người Kinh với chi hội, hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, tổ chức Hội ngày càng phát triển, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc