Multimedia Đọc Báo in

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”: Lan tỏa những tấm lòng nhân ái

13:20, 09/03/2012

Qua 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gây quỹ “Vì người nghèo” (qvnn) tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, kết nối những tấm lòng hảo tâm, nhân ái.  Mỗi năm nguồn quỹ này lại được nhân lên để hỗ trợ, sẻ chia, tiếp sức giúp người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Tiếp sức để người nghèo vươn lên

Nhằm giúp người nghèo về tư liệu sản xuất, xây dựng nhà ở, khám chữa bệnh, cứu đói lúc giáp hạt, con em được đi học…, từ năm 2000 đến nay Cuộc vận động xây dựng QVNN đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Với tổng số tiền ủng hộ hơn 60 tỷ đồng, UBMTTQVN tỉnh và Ban vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh đã hỗ trợ 3.000 hộ nghèo xây dựng nhà đại đoàn kết và sửa chữa nhà dột nát, tạm bợ; hơn 14.000 hộ làm nhà theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cứu đói giáp hạt hộ nghèo 2 tỷ đồng; hỗ trợ vật tư, cây, con giống phục vụ sản xuất trên 3 tỷ đồng, giúp hàng nghìn hộ nghèo vơi bớt khó khăn. Gia đình chị Bùi Thị Thỏa (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) là một ví dụ. Bản thân chị bị tàn tật, không có nương rẫy, việc làm ổn định, chồng bỏ đi để lại 2 con nhỏ nên gia cảnh càng khốn khó, cuộc sống hằng ngày của 3 mẹ con chỉ trông chờ vào đám rau, đàn gà và sự giúp đỡ, cưu mang của bà con hàng xóm. Năm 2009, UBMTTQVN huyện đã hỗ trợ 12 triệu đồng, anh em dòng họ cho mượn thêm 5 triệu đồng, giúp đỡ ngày công xây dựng cho gia đình chị căn nhà đại đoàn kết rộng 24 m2. “Nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành và mọi người thì không biết đến bao giờ gia đình mới có nhà xây để ở. Từ ngày có nhà mới, mẹ con tôi không phải thay nhau hứng nước mưa trong nhà như trước kia nữa, 2 đứa nhỏ vui mừng ra mặt”, chị Thỏa thổ lộ. Không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà ở giúp người nghèo “an cư”, QVNN các cấp còn giúp họ vật tư, phương tiện sản xuất để ổn định cuộc sống. Năm 2010, anh Y Rút Niê (buôn  Ea Knuốp, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) được hỗ trợ một con bò từ nguồn QVNN. Anh chăn thả, chăm sóc cẩn thận, đến nay bò đã sinh thêm 1 con bê. Theo anh, thu nhập từ chăn nuôi bò sẽ giúp gia đình có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.

Cán bộ MTTQ các cấp khảo sát tình trạng nhà ở của gia đình anh Ngân Văn Tỉnh (thôn Ea Ly, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn).

Còn rất nhiều người nghèo cần được sẻ chia

Từ nguồn QVNN, những năm qua đã có hàng chục nghìn hộ nghèo các địa phương trong tỉnh được giúp đỡ, hỗ trợ. Tuy nhiên, so với con số hơn 69.200 hộ nghèo toàn tỉnh (tính đến thời điểm cuối năm 2011) thì tỷ lệ hộ nghèo được giúp đỡ vẫn còn quá ít, số hộ nghèo đang phải sống trong những căn nhà dột nát, tạm bợ còn rất nhiều. Chẳng hạn như trường hợp của gia đình anh Ngân Văn Tỉnh, dân tộc Thái (thôn Ea Ly, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn). Vào lập nghiệp ở Dak Lak đã hơn 17 năm nhưng do không có đất sản xuất, không việc làm ổn định nên để lo cái ăn qua ngày cho 5 con nhỏ, ngoài đi làm thuê, vợ chồng anh phải thuê 5 sào đất trồng sắn, gia đình 7 người chen chúc trong căn nhà gỗ xiêu vẹo chỉ rộng 28 m2. Chủ tịch MTTQ xã Ea Wer Vũ Tuấn Thức cho biết: qua khảo sát, MTTQ xã xác định gia đình anh Tỉnh thực sự khó khăn về nhà ở và có đủ các điều kiện để được hỗ trợ xây nhà. Phía MTTQ địa phương đã vận động được một số tiền quỹ để hỗ trợ thêm nên nếu được MTTQ cấp trên phân bổ vốn, xã sẽ triển khai ngay việc xây dựng nhà đại đoàn kết. Trường hợp của gia đình chị H’Wiê ADrơng (buôn Ea Mtha 1A, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) cũng thực sự khó khăn. Do không có tư liệu sản xuất, chồng chị phải vào tận huyện Ea Súp làm thuê gửi tiền về nuôi con gái 2 tuổi hay đau ốm. Căn nhà nền xi măng, vách nứa, mái lợp tôn được dựng tạm khi 2 vợ chồng ra ở riêng đến nay đã xuống cấp, thường xuyên lênh láng nước trong mùa mưa. Biết vậy nhưng vì lo cái ăn và thuốc men cho con còn chưa đủ nên vợ chồng chị đành chịu cảnh mưa dột, gió lạnh. Chị H’Wiê ước ao: “Mình chỉ mong sớm được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ làm nhà để cuộc sống bớt cơ cực”.

Để cuộc vận động ngày càng lan tỏa

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Y Dec HDơk khẳng định, qua hơn 10 năm cùng cả nước thực hiện Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", xây dựng QVNN, hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm cho các hoạt động vì người nghèo. Điều này khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng chung tay giúp người nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, công tác tuyên truyền, tổ chức vận động, hưởng ứng ủng hộ QVNN ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa sâu rộng nên kết quả chưa đồng đều. Qua khảo sát, một số địa phương, đơn vị vẫn chưa thực sự “mặn mà” với việc chăm lo, giúp đỡ người nghèo và thực hiện an sinh xã hội. Vì vậy, để chăm lo cho người nghèo tốt hơn nữa, thì hình thức tổ chức cuộc vận động cần được tiến hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nhiều biện pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng nhằm huy động mọi nguồn lực về vật chất và tinh thần, giúp đỡ, sẻ chia với người nghèo. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát số lượng hộ nghèo, mức độ và nguyên nhân dẫn đến nghèo, để từ đó lập phương án hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể với từng nhóm đối tượng. Các địa phương nên gắn mục tiêu giảm nghèo với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Và quan trọng hơn cả chính là tấm lòng nhân ái, thiện nguyện của tất cả mọi cá nhân, tập thể cùng giúp người nghèo vươn lên.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.