Multimedia Đọc Báo in

Trí thức trẻ về với buôn làng

20:48, 03/04/2012

Họ là cán bộ lâm nghiệp, giáo viên, cán bộ Đoàn… đang công tác ở nhiều ngành, địa phương trong tỉnh, nhưng đều có chung  khát vọng đem  sức lực, trí tuệ “phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Cùng đồng bào “phát triển nông nghiệp bền vững”

Cũng như nhiều nơi khác, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ ở huyện Lak gắn bó với rừng, nhưng  lại không “mặn mà” với nghề trồng rừng bởi chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn lâu hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Vấn đề này là nỗi niềm trăn trở của thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Viết Quang, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lak suốt nhiều năm. Thạc sĩ Quang chia sẻ: “Tôi cùng một số anh, em ở phòng rong ruổi khắp các cánh rừng trên địa bàn huyện; khảo sát những ngọn đồi trọc (bạc màu) sản xuất nông nghiệp không đem lại hiệu quả; đến từng nhà dân tìm hiểu đời sống, tập quán canh tác và nhu cầu phát triển sản xuất. Chúng tôi không nói suông về các chính sách lâm nghiệp hiện hành mà trực tiếp giải thích cho bà con hiểu rõ lợi ích của trồng rừng, “cầm tay” hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm giống để giảm chi phí đầu tư”. Ban đầu, không ít người hoài nghi đồng bào DTTS tại chỗ không thể tự ươm giống cây lâm nghiệp, nhưng khi tận mắt chứng kiến bà con tạo bầu, pha trộn đất, gieo hạt, cấy cây… mới tin đó là sự thật. Vào thời điểm những năm 2000-2001, một cây giống trên thị trường có giá 7.000 đồng, nhưng tự ươm cây thì giá thành chỉ khoảng 2.000 đồng. Như vậy, trồng 1 ha rừng bà con đã tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng tiền cây giống (mật độ khoảng 2.000 cây/ha).

Thạc sĩ Nguyễn Việt Quang (bên trái) cùng đồng nghiệp thăm mô hình trồng rừng tại buôn Jơi, xã Dak Nuê.

Để bà con yên tâm gắn bó với rừng, thạc sĩ Quang  cùng các đồng nghiệp còn đến từng gia đình ở các xã Dak Phơi, Dak Nuê, Krông Nô vận động đồng bào, hướng dẫn cách làm cụ thể và đưa những giống lúa mới, năng suất cao như: OM, Jasmin, Hương Thơm…vào gieo cấy. Cuộc sống dần ổn định, từ chỗ ngần ngại, bà con mạnh dạn tham gia các dự án trồng rừng xã hội. Nhiều hộ dân tộc M’nông ở huyện Lak đã có cuộc sống khá giả nhờ trồng rừng. Già Ama Men (buôn Jơl, xã Dak Nuê) phấn khởi cho biết: “Tham gia dự án lâm nghiệp cộng đồng đem lại nguồn thu nhập ổn định, những diện tích rừng trồng năm 2004 đã cho thu hoạch, gia đình  mua được bò sinh sản để phát triển chăn nuôi dưới tán rừng”.

Là một huyện thuần nông, nhưng diện đất canh tác bình quân trên đầu người của huyện Lak ít. Nhiều nguyên nhân khiến đất canh tác ngày một thoái hóa, trong đó một phần do việc sử dụng phân bón không hợp lý. Một lần nữa thạc sĩ Quang lại dành thời gian, công sức nghiên cứu cách làm phân vi sinh từ các phế phẩm nông nghiệp để giúp bà con cải tạo đất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất.  Quan trọng hơn là từng bước nâng cao nhận thức, tiếp cận với việc phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Mô hình tự sản xuất phân vi sinh do anh  và các đồng nghiệp thực hiện, giới thiệu đã nhận được sự ủng hộ tích cực của bà con các xã trọng điểm về trồng lúa, cà phê. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã thay đổi thói quen bón phân vô cơ, chuyển sang dùng phân hữu cơ.

Vững tin hơn với học trò, với trường lớp

Năm 2003, cô giáo Vũ Thị Hằng về nhận công tác tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Nô, huyện Lak), một địa phương vùng sâu giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Cũng như hầu hết sinh viên mới ra trường với sức trẻ căng tràn, mong muốn được đem những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế, cô Hằng hăm hở đến với học sinh xã xa nhất của huyện, dù chưa hình dung hết được những khó khăn, thử thách đang đợi ở phía trước. Cô Hằng nhớ lại: “Ngày đầu đặt chân đến xã Krông Nô, tôi hoàn toàn ngỡ ngàng, toàn xã chỉ có vài nóc nhà xây, học sinh đến trường trong màn sương giá đôi môi tím tái, giờ học bắt đầu nhưng vẫn phải ngồi xúm lại cho đỡ lạnh. Có những học sinh nhà ở cách trường hơn 15 km nhưng không có được chiếc xe đạp mà phải “cuốc bộ” từ lúc gà gáy để kịp giờ học. Những ánh mắt thơ ngây, sự mộc mạc giản dị đến thô ráp nhưng đằm thắm tình cảm chân thật của học sinh, đặc biệt là sự tin tưởng của phụ huynh vào thầy, cô sẽ mang đến cho con em mình một tương lai tốt đẹp hơn… đã xua tan những ưu tư, suy nghĩ rằng chỉ gắn bó với vùng đất này một thời gian ngắn, sau đó sẽ chuyển đến một nơi khác thuận tiện hơn. Tôi vững tin hơn với học trò, với trường lớp ở đây”. Krông Nô bây giờ đã nhiều thay đổi:  Những con đường gập ghềnh đã bằng phẳng hơn, trường học cũng đã khang trang đẹp đẽ hơn. Mỗi  thầy, cô giáo  ở trường THCS Trần Hưng Đạo không chỉ vui hơn với việc đem con chữ đến với trẻ thơ vùng sâu mà còn tìm thấy “một nửa” yêu thương của mình trên “quê hương thứ hai”. Chính vì thế mà sự gắn bó với vùng đất nơi đây của các thầy, cô giáo không chỉ vì sự gửi gắm của các bậc phụ huynh, sự trông đợi của học sinh mà còn là cả một ước mơ xây đắp tương lai tươi đẹp cho chính bản thân mình. Cô giáo Vũ Thị Hằng kể về những kỷ niệm khó quên: những đêm mưa to gió lớn vượt hơn 10 km đi dạy phổ cập giáo dục  nhưng khi đến nơi chẳng có học sinh nào lại phải quay về; những ngày cô, trò cùng tham gia lao động gây quỹ bằng cách đi làm rẫy thuê cho người dân địa phương, nhìn những em học sinh mới lớp 7, lớp 8 mà làm thuần thục công việc nhà nông tôi không khỏi rơi nước mắt, bởi lẽ ra việc các em quan tâm nhất bây giờ là học và vui chơi...

Cô Vũ Thị Hằng (thứ 2 từ phải sang) cùng các thầy, cô giáo Trường THCS Trần Hưng Đạo tại Lễ khai giảng năm học mới 2010-2011.

Ngoài giờ dạy trên lớp, cô Hằng và các đồng nghiệp đến từng nhà vận động những em đã bỏ học tiếp tục đến lớp; thăm hỏi gia đình hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, giúp các em thêm yêu trường, mến bạn và ham học tập. Sự nhiệt tình, tận tâm của các thầy, cô giáo đã làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc học. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng của trường THCS Trần Hưng Đạo đã giảm xuống dưới 3% (những năm 2000  tỷ lệ này trên 7,5%). “Tôi cũng như nhiều thầy, cô giáo ở Trường THCS Trần Hưng Đạo mong muốn ngành Giáo dục quan tâm hơn đến những trường ở vùng sâu, vùng xa, đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và bố trí đủ đội ngũ giáo viên”, cô Vũ Thị Hằng nói.

Phó Chủ tịch xã “nặng lòng” với công tác Đoàn

Trẻ, năng động, có trình độ, trách nhiệm cao trong công việc… là những nhận xét của người dân khi nói về anh Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar). Có khả năng thu hút mọi người qua phong cách nói chuyện hài hước, tự tin, ngay sau khi tốt nghiệp THPT năm 1996, Lê Văn Hậu đã tham gia sinh hoạt đoàn tại địa phương với vai trò là Bí thư chi đoàn thôn. Dưới sự dẫn dắt của “thủ lĩnh” trẻ đầy nhiệt huyết, Chi đoàn thôn 20 lúc bấy giờ nhanh chóng vươn lên dẫn đầu phong trào trong 17 chi đoàn của xã. Trong đó, đáng chú ý là phong trào “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, thăm hỏi gia đình chính sách, xóa mù chữ cho trẻ em, vận động ủng hộ xây nhà tình thương… được chi đoàn tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo thanh thiếu niên trên địa bàn xã tham gia. Với những đóng góp tích cực cho phong trào, năm 2005 anh vinh dự được kết nạp Đảng; được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Đoàn xã vào năm 2007. Vừa công tác đoàn anh vừa tranh thủ học thêm trung cấp hành chính để nâng cao trình độ, phục vụ công tác. Năm 2011, ở tuổi 34 anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách lĩnh vực kinh tế, trở thành một trong những cán bộ xã trẻ nhất trưởng thành từ phong trào Đoàn.

Anh Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M'droh (bên phải) tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh dành cho đối tượng 3.

Trên cương vị mới, với kinh nghiệm gần 15 năm gắn bó với công tác Đoàn, thông thuộc địa bàn như lòng bàn tay, anh cất công rà soát lại hệ thống cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù khí hậu, đất đai ở địa phương. Xác định thế mạnh của địa phương là cây nông nghiệp cũng như một số ít diện tích cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu…, song do lâu nay người dân chưa mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao, anh đã chủ động liên hệ với các trung tâm khuyến nông hoặc trực tiếp tham gia các lớp học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để hướng dẫn lại cho bà con. Đặc biệt, anh tham mưu cho UBND xã tạo điều kiện tối đa để bà con nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất. Kết quả, chỉ trong năm 2011, số vốn hội viên trong các tổ chức đoàn thể được vay đã lên đến 1,4 tỷ đồng. Và cũng một phần nhờ sự năng động của anh, năm 2011 UBND huyện đã đồng ý hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là buôn Thung và buôn Ea M’droh để mua cây, con giống, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật để đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ trên 50% xuống còn 32% năm 2011.

Vốn còn “nặng lòng” công tác Đoàn, nên dù trên cương vị mới, anh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động Đoàn, tham mưu cho Đảng ủy xã về công tác đào tạo cán bộ nguồn cũng như rà soát, bố trí cán bộ Đoàn phù hợp với năng lực, sở trường. Ngoài ra, anh còn đề xuất UBND xã và đoàn cấp trên bố trí kinh phí, đủ cho Đoàn xã tổ chức các hoạt động một cách hiệu quả. Anh bộc bạch những suy nghĩ của một lãnh đạo trưởng thành từ công tác đoàn: Với lợi thế như có kiến thức, năng động, sẽ phát huy tốt hơn vai trò xung kích vì cuộc sống cộng đồng tại địa phương. Ea M’droh sẵn sàng đón nhận những trí thức trẻ có mong muốn đem kiến thức, phục vụ  xã nhà trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo”.

Gia Nguyên - Nguyên Hoa - Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc