Nhóm nhạc “Nhịp sống”: Gắn kết yêu thương
Với nghị lực và lòng đam mê âm nhạc, những người không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể đã vượt lên số phận, cùng hội tụ lập Nhóm nhạc “Nhịp sống”. Thông qua âm nhạc, họ gửi đi thông điệp “tàn nhưng không phế” và mong muốn kết nối tình yêu thương của cộng đồng cùng sẻ chia, giúp đỡ người khuyết tật...
Nhóm nhạc "Nhịp sống" lưu diễn ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông). |
Gần 15 giờ chiều một ngày cuối tuần tháng 4, xe chở các ca sĩ, nhạc công của Nhóm nhạc “Nhịp sống” bắt đầu khởi hành về xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông). Để kịp giờ biểu diễn, ngay khi đến nơi, họ tất bật vận chuyển các nhạc cụ xuống xe, nhanh chóng lắp ráp, chuẩn bị sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Đến 19 giờ 30 phút, khoảng sân nhỏ trước cửa UBND xã chật kín người. Không chỉ xem nhóm nhạc của những người khuyết tật biểu diễn, mọi người còn đến đây với mục đích cao cả là ủng hộ quỹ cho Câu lạc bộ (CLB) Người khuyết tật xã Hòa Lễ. “Và mình cùng hát lên nào lời tình tha thiết/ Cùng hát lên nào lời mình muốn nói/ Cùng hát lên đi cho đêm vui khắp trời và ngày thêm ước mơ/ Dù rằng đời lắm thăng trầm đường dài phía trước, và lối đi về gập ghềnh ai biết/ Cùng hát vang lên xua tan đi bao nỗi buồn và cùng thắp lên niềm vui”... Qua những giai điệu sôi động của ca khúc “Hãy hát lên” mở đầu đêm lưu diễn, các thành viên trong Nhóm nhạc “Nhịp sống” đã truyền cho khán giả niềm đam mê âm nhạc của mình. Dù bước ra sân khấu bằng đôi nạng gỗ, chiếc xe lăn hay phải có người dắt đi nhưng bằng nhiệt huyết và khát vọng sống, họ đã tạo nên những bất ngờ khi lần lượt trình diễn thành công 12 tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu, hòa tấu. Chị Tô Thị Hòe, một người dân thôn 7 (xã Hòa Lễ) thổ lộ: “Đây là lần đầu tiên có một nhóm nhạc về tận xã biểu diễn mà lại là nhóm nhạc của những người khuyết tật nên tôi và bà con trong thôn rất tò mò. Mặc dù đi làm ruộng, rẫy về khá mệt nhưng sau bữa tối mọi người đều bảo nhau đến đây xem và cổ vũ cho nhóm. Được tận mắt nhìn, nghe những người khuyết tật hát tôi thực sự khâm phục nghị lực của họ”. Tại đêm lưu diễn, các thành viên CLB Người khuyết tật xã Hòa Lễ, người dân địa phương và các em học sinh trên địa bàn cũng giao lưu nhiều tiết mục múa, hát, nhảy đem đến không khí trẻ trung, sôi động. Không giấu được niềm vui, bà Lê Thị Xê, Chủ nhiệm CLB Người khuyết tật xã cho biết: “Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ biểu diễn, Nhóm nhạc “Nhịp sống” đã kêu gọi sự đóng góp của hơn 120 tập thể, cá nhân và các ngành, đoàn thể địa phương ủng hộ CLB trên 7,8 triệu đồng. Số tiền này sẽ được góp vào quỹ tiết kiệm để hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế cho 63 thành viên CLB”.
Được thành lập từ tháng 6-2011, đến nay Nhóm nhạc “Nhịp sống” đã quy tụ được 18 thành viên đều là những người khuyết tật có năng khiếu âm nhạc đến từ 15 CLB Người khuyết tật trong tỉnh. Anh Lê Hoàng Gia Hưng, giáo viên của Cơ sở Nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) - một thành viên trong nhóm thổ lộ, mặc dù là một người khiếm thị, đi lại rất khó khăn nhưng khi được mời tham gia nhóm nhạc, nhận thấy đây là một sân chơi bổ ích nên anh liền đồng ý. Mỗi khi nhóm tập hợp cùng luyện tập, đi lưu diễn, anh lại bắt xe buýt từ phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) lên tham gia. Mỗi chuyến lưu diễn của những ca sĩ, nhạc công khuyết tật tuy khó khăn, vất vả gấp bội người lành lặn nhưng ai cũng cảm thấy vui và hãnh diện vì vẫn là người có ích cho xã hội. Điều đáng khâm phục ở những thành viên trong Nhóm nhạc “Nhịp sống” không chỉ là khát vọng được cống hiến mà còn ở nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy khuyết tật nhưng mỗi người đều chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp để kiếm sống, từ nấu rượu, nuôi heo, cắt tóc, sửa đồng hồ, mở quán buôn bán nhỏ đến làm nhạc công phục vụ các đám tiệc…
Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh cho biết, sau nhiều lần được nghe người khuyết tật ở các CLB hát, ông nảy ra ý tưởng thành lập một nhóm nhạc của người khuyết tật. Không chỉ đứng ra tập hợp các thành viên, ông còn xây dựng đề án, trực tiếp xin kinh phí hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan –Việt Nam gần 150 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ, trang thiết bị, tổ chức tập luyện. “Ngoài việc tạo sân chơi, giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, vươn lên khắc phục khó khăn hòa nhập cộng đồng, Nhóm nhạc “Nhịp sống” còn là nơi để những người khuyết tật chứng tỏ nghị lực, niềm đam mê âm nhạc và kết nối tấm lòng nhân ái của mọi người cùng ủng hộ, giúp đỡ. Sắp tới, tôi dự định tổ chức cho nhóm đi lưu diễn, giao lưu với các trường học trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ, cách nhìn nhận của cộng đồng về người khuyết tật và kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người về vật chất cũng như tinh thần để duy trì các hoạt động của nhóm”, ông Tiến chia sẻ.
Bằng lời ca tiếng hát các thành viên Nhóm nhạc “Nhịp sống” đã thể hiện tình yêu, niềm tin cuộc sống. Mỗi một tiết mục biểu diễn của những người không lành lặn ấy đều thể hiện khát vọng vươn lên hòa nhập cộng đồng của những tâm hồn không hề khuyết tật.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc