Multimedia Đọc Báo in

Hiệu ứng xã hội của báo chí

08:21, 20/06/2012

Như một thư ký của cuộc sống, báo chí tự hào đã đóng góp tích cực trong xây dựng đời sống xã hội thông qua những mô hình, cách làm hay, những điển hình tiên tiến, những mặt trái được phản ánh trên tinh thần xây dựng.

Giàu lên nhờ... đọc báo

Thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) đang thay da đổi thịt từng ngày. Những con đường nhựa quanh co, sạch sẽ nối liền các xóm, nhà xây san sát mọc lên, đời sống bà con đã có nhiều khởi sắc. Song, ít ai biết, nhiều hộ trong số đó đã khấm khá lên nhờ… đọc báo.


      Mùa về ở thôn Tiến Đạt.       Ảnh: Đ.L
Mùa về ở thôn Tiến Đạt. Ảnh: Đ.L

Năm 2004, tình cờ đọc được thông tin trên Báo Dak Lak giới thiệu về mô hình nuôi nhím, nhận thấy đây có thể là hướng phát triển kinh tế mới, nhiều nông dân ở thôn Tiến Đạt đã xây chuồng trại, đi hỏi mua giống về nuôi. Anh Trí, một trong những nông dân có cuộc sống khá lên từ nuôi nhím cho biết, thức ăn cho nhím rất dễ tìm như cỏ, ngô, rau lang và các loại quả mà nhà nông sẵn có, giúp tận dụng được chi phí lại ít dịch bệnh, sinh sản nhanh nên mau sinh lời. Hiện ở thôn Tiến Đạt đã có nhiều mô hình nuôi nhím lên đến vài chục con chỉ trong một thời gian ngắn, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như hộ anh Phạm Ngọc Trí,  Hoàng Văn Thông…

Không chỉ nuôi nhím, đọc báo, nhiều bà con còn tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình mình bằng mô hình nuôi heo rừng, nắm bắt được một số kỹ thuật canh tác lúa, kinh nghiệm chăn nuôi heo thịt mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đặc biệt, một số người còn học được cách ghép chồi cải tạo vườn cà phê già cỗi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, áp dụng cho vườn cà phê của gia đình thành công như hộ anh Đào Văn Kiều. Chỉ sau 1 năm áp dụng, vườn cây đã ra trái cho thu hoạch thay vì phải mất 6 năm để phá bỏ trồng mới. Nhờ đó, những năm gần đây, số hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng lên thấy rõ. Hiện thôn Tiến Đạt chỉ còn 12/330 hộ nghèo (giảm 9 hộ so với năm 2011). Anh Đỗ Hồng Tới, Trưởng thôn phấn khởi cho hay: “Báo chí thật sự là người bạn hữu ích cho bà con nông dân. Báo đã giúp cho bà con có được những cách làm ăn hiệu quả, những mô hình kinh tế mới, chuyển giao những kinh nghiệm thiết thực trong sản xuất để học tập và làm theo. Trong những buổi sinh hoạt thôn, họp dân, Ban tự quản thôn luôn lồng ghép và động viên bà con chịu khó học hỏi, nghe đài, đọc báo để học theo những kinh nghiệm hay, điển hình làm kinh tế…”.

Theo dõi để điều chỉnh từ những vấn đề “nóng” phản ánh trên báo

Cư Kbang là xã vùng sâu của huyện Ea Súp, kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn. Xã luôn là điểm nóng trong tranh chấp, lấn chiếm đất đai, khai phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép; tình trạng dân di cư tự do ngày càng tăng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.


Tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch  khiến cuộc sống của người dân di cư tự do đến Cư Kbang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: G.N
Tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch khiến cuộc sống của người dân di cư tự do đến Cư Kbang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: G.N

 

Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương trong các hoạt động nhằm cải thiện tình hình, các phương tiện truyền thông đã góp phần không nhỏ. Việc Báo Đảng địa phương được đưa đến tận các chi bộ đã chung tay cùng địa phương giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách. Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang Lê Thị Chinh, báo chí đã phản ánh được những vấn đề “nóng” trên địa bàn. Sau mỗi bài báo, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn chú ý theo dõi, ghi nhận, để có đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp đồng thời cũng nhận được những quan tâm, chỉ đạo của cấp trên nhằm cải thiện tình hình. Hơn thế, công tác tuyên  truyền của báo chí đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân nói chung, nhân dân trên địa bàn nói riêng. Theo làn sóng di cư, những hủ tục ăn sâu vào nhận thức của bà con đồng bào thiểu số phía bắc như Tày, Nùng,  M’nông… vẫn còn tồn tại. Trong đó, vấn đề tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch khiến chính quyền địa phương lúng túng nhất. Thế nhưng thời gian qua, vấn đề này đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Bà Chinh cho rằng, sự đóng góp của báo chí đối với địa phương là không nhỏ nhưng bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền những thành tựu nổi bật nhằm khuyến khích, động viên địa phương phát triển.

Học làm dân vận khéo từ báo

“Cách đây hơn 1 năm, việc đi lại, hội họp của người dân trong thôn rất khó khăn vì chưa có hội trường, đường sá nhỏ hẹp, lầy lội. Đọc báo, xem ti vi thấy nhiều nơi chính quyền, người dân đóng góp tiền, ngày công làm đường, xây nhà văn hóa cộng đồng, trường học… nên tôi nảy ra ý định áp dụng cách làm đó ở địa phương mình”, chị Nguyễn Thị Hương, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 7, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) chia sẻ. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhận thức được điều này, chị Hương tự nguyện hiến 1.720 m2 đất vườn để mở đường và xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Ban đầu, khi Ban tự quản đưa việc này ra bàn trong cuộc họp thôn đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng khu đất nhà chị cách khá xa mặt đường nhựa, đường đi lối lại không thuận tiện. Thấy vậy, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn cũng tự nguyện hiến thêm 720 m2 đất, nhổ 40 cây cà phê kinh doanh để mở con đường rộng 4 m2; Trưởng thôn Lê Đức Dũng ủng hộ 3 tạ xi măng xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Biết được nguyện vọng của Ban tự quản và các đoàn thể trong thôn, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã đồng tình ủng hộ và thống nhất tổ chức họp dân cùng tuyên truyền, vận động. Khi hiểu được chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc đóng góp xây dựng các công trình công cộng ở địa phương, ngoài việc đóng tiền (400.000 đồng/hộ), người dân trong thôn còn góp công sức phát quang bụi rậm, đắp đất, san ủi mặt đường, thi công, giám sát việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng.

Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, con đường cấp phối dài 1,5 km và nhà văn hóa cộng đồng thôn đã được xây dựng khang trang, sạch sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản và sinh hoạt, hội họp của người dân. Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Lương Kim Trọng khẳng định: “Ban tự quản và các đoàn thể thôn 7 đã thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc huy động sức dân xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng, cải thiện bộ mặt nông thôn, cùng đoàn kết phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự địa phương. Kết quả này có sự đóng góp của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền những cách làm hay, nêu gương các điển hình tiên tiến trong đóng góp xây dựng các công trình công cộng ở địa phương”.

Hiệu quả từ một bài báo

Báo Dak Lak số ra ngày 24-2-2012 đăng bài “Làm giàu nhờ nuôi nhím và dúi” của tác giả Thanh Linh viết về vợ chồng anh Nguyễn Chí Công và chị Nguyễn Thị Mai Oanh ở 49/29/9 Y Ơn, Tổ dân phố 3 phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) nuôi nhím và dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi báo phát hành, từ đầu tháng 3-2012 có rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh gọi điện đến Hội Nông dân phường Tân Thành xin số điện thoại gia đình anh Công để liên hệ mua giống. Những ngày sau đó nhiều khách hàng đến nhà anh Công mua giống dúi. Từ tháng 3-2012 đến nay Hội Nông dân phường Tân Thành tiếp và hướng dẫn nhiều khách hàng đến mua dúi nhà anh Công. Anh chị tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dúi bố mẹ, cách phối giống và kỹ thuật chăm sóc dúi con theo độ tuổi; việc vệ sinh chuồng trại cũng như chuẩn bị thức ăn cho dúi. Anh chị cũng dặn dò kỹ với khách hàng những điều cần lưu ý khi nuôi dúi. Chẳng hạn chuồng nuôi phải trong tối, không để ánh mặt trời lọt vào hoặc khi dúi có bầu, sắp đẻ không cho người lạ đến gần. Khách hàng rất vừa lòng khi tiếp xúc với gia đình anh Công nên người đến mua hàng ngày càng nhiều. Người mua ít cũng từ 2 đến 3 cặp về nuôi thử, người mua nhiều từ 7 đến 8 cặp. Cao điểm nhất là ngày 12-3-2012 anh chị bán trên 20 cặp dúi giống, trong đó có 3 khách hàng ngoài tỉnh mua 19 cặp. Các huyện trong tỉnh như như Ea Kar, Cư M’gar, Krông Pak, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ… đều có khách hàng đến mua dúi. Hơn 3 tháng qua anh Công đã bán 70 cặp dúi giống, tăng 1,5 lần so với số giống bán cả năm 2011. Nhờ nuôi nhím và dúi, anh chị đã có số vốn nhất định cộng với tiền bán dúi trong những tháng đầu năm 2012 anh chị đã đủ tiền chuẩn bị làm nhà mới.

Thay mặt hội viên nông dân trên địa bàn, Hội Nông dân phường Tân Thành đã có hồi âm cảm ơn tác giả và tòa soạn đã thông tin kịp thời một mô hình chăn nuôi hiệu quả, qua đó giúp đỡ, hướng dẫn nông dân áp dụng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.  

Đỗ Giang Yến Thơ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.