Chuyện về những “bông hoa đỏ” tiêu biểu
Trong Hội nghị Biểu dương Người có công với Cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 vừa diễn ra tại Đà Nẵng có 5 đại biểu của Dak Lak, đó là những “bông hoa đỏ” tiêu biểu đại diện cho hơn 12.000 người có công trong tỉnh. Tuy mang trong mình những vết thương chiến tranh nhưng bằng ý chí, nghị lực, họ đã vươn lên sống đẹp, làm giàu cho gia đình, xã hội, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Đoàn Dak Lak tham dự Hội nghị Người có công tiêu biểu chụp ảnh với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cán bộ cấp cao. |
Người cán bộ gương mẫu
Là một chiến sĩ pháo binh nhập ngũ từ năm 1970, lần lượt tham gia các chiến trường chống Mỹ ở quân khu 5, chiến trường biên giới phía Bắc rồi lại sang nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, mãi đến năm 1992 ông Nguyễn Văn Cảnh mới về lại quê hương Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1995 ông Cảnh đưa cả gia đình vào lập nghiệp tại thị trấn Phước An, Krông Pak. Những ngày đầu đến vùng đất mới khó khăn trăm bề nhưng ông cùng gia đình đã cố gắng vượt qua, kinh tế dần đi lên, các con đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định. Vừa lo phát triển kinh tế gia đình, ông Cảnh vừa năng nổ trong các hoạt động xã hội. Lần lượt giữ các cương vị Bí thư chi bộ, Trưởng Ban tự quản tổ dân phố 7, Chủ tịch UBND thị trấn Phước An, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pak…, ở vai trò nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổ dân phố 7 do ông “quản” là đơn vị đầu tiên ra mắt tổ dân phố văn hóa của huyện Krông Pak vào năm 1998; Ở vai trò Chủ tịch Thị trấn, ông đã vận động người dân đóng góp xây trường học cao tầng; thành lập các tổ bảo vệ dân phố, bảo vệ chợ huyện, hình thành đội vệ sinh môi trường đô thị, phát triển hệ thống nước sạch; củng cố các đội văn nghệ, bóng đá…; là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, ông đã đưa đơn vị từ trung bình lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu trong toàn tỉnh. Ở tuổi 62, hiện ông Cảnh vẫn tích cực trong các hoạt động xã hội.
Doanh nhân thành đạt
Ở huyện Ea Kar, chủ doanh nghiệp Lê Quốc Tuấn chuyên thu mua, chế biến các loại trái cây, nông sản đã “nổi” từ rất nhiều năm nay, nhưng ít ai biết được ông là một thương binh, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và ở lại tiếp quản, lập nghiệp trên vùng đất này. Từ việc mua bán trái cây nhỏ, ông Tuấn đã gây dựng thành vựa trái cây lớn nhất huyện rồi chuyển sang thành lập Công ty Miền Đông (tọa lạc tại thôn 5, xã Ea Đar) với vốn lưu động gần 20 tỷ đồng. Công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho 70 lao động ở địa phương, trong đó phần lớn là con em gia đình chính sách có công, đồng đội của mình với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời gián tiếp giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động chuyên đi thu mua nguyên liệu với thu nhập khá ổn định. Hằng năm, Công ty đóng góp ngân sách hơn 300 triệu đồng…
Tìm hiểu và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thương binh Đặng Văn Công ở xã Ea Ktur (Cư Kuin) vẫn luôn tự nhận mình may mắn bởi đã sống sót ở 2 chiến trường (chống Mỹ và tình nguyện ở nước bạn Lào), mặc dù chiến tranh đã cướp đi của ông 26% sức khỏe và để lại di chứng nặng nề cho thế hệ cháu, con (người con cả của ông bị tàn tật). Ông Công tâm sự: “Suốt đời tôi luôn sống, chiến đấu, làm việc và học tập theo lời Bác”. Tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, sau khi nghỉ hưu, ông Công luôn tích cực tham gia công tác xã hội. Chi bộ 10 xã Ea Ktur 15 năm liền do ông làm Bí thư đều đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Gia đình ông là điển hình làm kinh tế giỏi của xã với thu nhập bình quân hằng năm gần 300 triệu đồng. Các con ông đều thành đạt và sống gương mẫu. Đặc biệt, gia đình ông rất tâm huyết và đạt được 6 giải thưởng cao qua các cuộc thi viết và tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do huyện Cư Kuin và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tổ chức…
Người tiên phong trong “cuộc chiến” xóa đói, giảm nghèo
Năm 1995 khu phố 10 phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) thuộc diện nghèo nhất phường với tỷ lệ hộ nghèo 15%. Đến nay tỷ lệ này chỉ còn 1%, trong khi dân số tăng gấp hơn 4 lần. Thành tựu này có phần góp sức của Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ dân phố Cao Văn Bé. Sinh ra trên vùng đất Quảng Ngãi, ông Bé tham gia cách mạng từ năm 1962, bị thương trong trận chiến năm Mậu Thân 1968. Năm 1992 ông đưa gia đình vào Dak Lak lập nghiệp. Mặc dù sức khỏe yếu, vết thương hành hạ những khi trái gió trở trời nhưng ông Bé vẫn quyết tâm tìm cách thoát khỏi đói nghèo. Chăn nuôi gà đẻ trứng là cách thức mà ông chọn vì hợp với sức khỏe của mình vừa tận dụng được lao động của các thành viên trong gia đình. Vay vốn mua 400 con gà giống và cứ thế nhân lên, sau vài năm, kinh tế gia đình ông đã ổn định và không ngừng phát triển. Ông Bé lại giúp bà con xung quanh về vốn, con giống, kỹ thuật… Suốt 17 năm làm làm tổ trưởng dân phố rồi bí thư chi bộ, ông đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi và trồng cây ngắn ngày với từng kế hoạch cụ thể; vận động người dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất làm đường bê tông, xây trụ sở tổ dân phố; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Ông chủ trang trại
Ở thôn Hồ, xã Cư Mtar, hyện M’Drak có một trang trại quy mô chục ha gồm: trồng lúa, chăn nuôi bò, chăn thả gia cầm… mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Thật đáng cảm phục khi người chủ trang trại là thương binh với một phần thân thể đã để lại chiến trường - ông Giang Văn Hơn. Ông vẫn thường tâm sự: “Tôi không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Với tôi, là một nông dân thì tích cực lao động, sáng tạo, sản xuất ra nhiều của cải cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, giúp đỡ bà con trong vùng cùng phát triển kinh tế cũng là hoạt động cách mạng vậy…”
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc