Kết thúc Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ “Ảnh báo chí”: Những điều đọng lại
Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ “Ảnh báo chí” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí-Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Dak Nông tổ chức vừa kết thúc hôm 29-6-2012. Chỉ diễn ra trong thời gian 4 ngày nhưng 16 học viên đến từ các tỉnh Dak Lak, Gia Lai và Dak Nông đã thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích.
Giáo trình của Giảng viên Nguyễn Tùng Lâm là những tấm ảnh đăng trên báo |
Điều được các học viên đánh giá cao không chỉ là đề tài “Ảnh báo chí” – mối quan tâm lớn của những người làm báo hiện nay, mà là phương pháp truyền đạt của giảng viên – Nhà báo Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Khai thác-Biên tập chương trình, Truyền hình thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam). Khác với nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ khác là không giảng những điều người ta thường gọi là "lý thuyết suông" mà đi ngay vào việc chỉ ra những hạn chế của ảnh báo chí qua các ví dụ minh họa bằng ảnh cụ thể. Trong mỗi phần giảng dạy, từ ảnh đơn (ảnh tin, ảnh minh hoạ) đến ảnh nhóm (nhóm ảnh và phóng sự ảnh), giản viên đều dùng những bức ảnh, nhóm ảnh đã tham dự các cuộc thi hoặc đã được đăng tải trên các báo để phân tích, chỉ rõ những điểm “đẹp” và “chưa đẹp”, những phần cần làm nổi bật hơn hoặc không cần thiết… theo yêu cầu của ảnh báo chí để các học viên tham khảo, rút kinh nghiệm.
Ngoài việc học trực tiếp trên ảnh như trên, kết thúc mỗi phần học, tất cả các học viên đều phải làm bài tập theo yêu cầu. Ở phần học ảnh đơn, mỗi học viên được yêu cầu nộp tối thiểu 2 ảnh tự chụp, nhưng hầu hết các học viên đều nộp số lượng nhiều hơn với mong muốn được góp ý, chỉ ra những hạn chế và biện pháp khắc phục trong những lần tác nghiệp sau. Tương tự, trong phần học ảnh nhóm (một chương trình mang tính nâng cao, tương đối khó đối với các học viên không phải là phóng viên ảnh), bên cạnh việc truyền đạt trực tiếp trên ảnh, các học viên trong lớp được chia làm 3 tổ, mỗi tổ thực hiện 2 nhóm ảnh theo chủ đề tự chọn. Kết thúc nửa ngày đi thực tế, từng nhóm ảnh do học viên nộp lại đều được giảng viên đưa ra phân tích chi tiết. Mỗi “sản phẩm” đều còn những hạn chế nhất định, nhóm thì chủ đề không rõ ràng, chưa lột tả được vấn đề cần quan tâm; nhóm thì nội dung chưa hấp dẫn, các góc chụp chưa mang lại cho người xem cái nhìn bao quát theo yêu cầu của ảnh báo chí… Tất cả đều được chỉ rõ, đồng thời hướng dẫn biện pháp khắc phục và những điều cần rút kinh nghiệm để có được một tác phẩm ảnh báo chí đạt chất lượng. Ngoài truyền đạt phương pháp chụp, xử lý ảnh báo chí, giảng viên còn hướng dẫn cách đặt tiêu đề, chú thích ảnh, một phần quan trọng, không thể thiếu của ảnh báo chí.
Các học viên đang "làm bài tập" theo nhóm |
Học viên Y Krăk Knul, phóng viên ảnh Báo Dak Nông tâm sự: Lớp bồi dưỡng lần này đã mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích. Trước khi tham gia lớp học, đa số ảnh do tôi chụp và đăng báo chẳng có mấy thông tin, rất nhiều ảnh chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ minh họa cho bài viết hoặc để làm “đẹp” tờ báo, làm “vui mắt” người đọc… Qua lớp học này tôi mới hiểu rõ được rằng, ảnh báo chí khác với ảnh nghệ thuật. Ảnh báo chí lấy thông tin sự kiện làm nhiệm vụ trọng tâm, sự kiện được phát hiện sớm là mối quan tâm của nhiều người, thì ảnh càng có giá trị. Nói cách khác, chức năng thông tin phản ánh hiện thực một cách sinh động chân thật là yêu cầu lớn nhất của ảnh báo chí. Một bức ảnh báo chí được đánh giá cao là một tác phẩm phản ánh trung thực hiện thực, không bịa đặt, không dàn dựng, bố trí giả tạo, được ghi lại ở khoảnh khắc có sức biểu hiện cao nhất, có ý nghĩa nhất và có sức hấp dẫn nhất của dòng thác sự kiện, được thông tin nhanh đến người xem, gây cho họ sự xúc động thực sự, chứ không phải là để nhìn ngắm qua loa. Cùng suy nghĩ như Y Krăk, các học viên khác đều cho rằng, lớp học đã mang lại cho họ nhiều kiến thức bổ ích, ít nhất là kể từ đây, mỗi lần chụp ảnh báo chí đều phải cố gắng nhớ rằng: chụp cái gì, chụp cho ai, chụp như thế nào, chụp vào lúc nào để có được một tấm ảnh với thông điệp rõ ràng, đúng bản chất và có hình thức hấp dẫn, góp phần nâng cao chất lượng ảnh báo chí.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc