Xây dựng môi trường sống an toàn, phù hợp với trẻ em
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có không ít trẻ nhỏ bị chết, bị thương tích và tàn tật suốt đời chỉ vì sự bất cẩn của người lớn, cũng như môi trường sống thiếu an toàn. Rất nhiều trẻ em đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và bị ngược đãi, xâm hại. Chính vì vậy, xây dựng một cộng đồng xã, phường có môi trường sống an toàn, thân thiện mà ở đó mọi trẻ em đều được hưởng các quyền cơ bản của mình và được sống trong ngôi nhà an toàn… đang là vấn đề trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, cần sự quan tâm, chung sức của cả các cấp chính quyền, gia đình và xã hội.
Hiểm họa từ môi trường sống không an toàn
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh đã xảy ra hơn 500 vụ trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT), trong đó có 24 trẻ bị tử vong (18 trẻ do đuối nước).
Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn trên 50% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 84.096 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có hơn 60.000 trẻ em sống trong hộ nghèo của các địa phương chưa được hưởng trực tiếp các chế độ chính sách hoặc chưa nhận được sự trợ giúp của cộng đồng; hàng nghìn trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội như bố mẹ ly hôn, ly thân, phạm tội phải vào tù, có người mắc tệ nạn xã hội, tình trạng trẻ em bị sao nhãng diễn ra khá phổ biến ở nhiều gia đình kể cả gia đình nghèo và gia đình khá giả... Đa phần nhóm trẻ này vẫn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận với các dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em và đây là nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị tổn thương.
Cán bộ phụ trách LĐTBXH thị trấn Krông Năng đang kiểm tra, hướng dẫn một gia đình ở tổ dân phố 5 thực hiện che chắn giếng nước bảo đảm an toàn cho trẻ. |
Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, buôn bán, bị bóc lột sức lao động vẫn diễn biến phức tạp và chưa được ngăn chặn có hiệu quả: bình quân hàng năm xảy ra 55 vụ xâm hại trẻ em và trên 450 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, hiện có gần 50 trẻ em vi phạm pháp luật đang học tập tại trường giáo dưỡng, nhiều trẻ em vi phạm pháp luật đang được giáo dục và quản lý tại cộng đồng... Các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, trừng phạt trẻ em ngày càng có tính chất nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức. Gần đây trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ vi phạm pháp luật do trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm nhức nhối dư luận xã hội. Theo Sở LĐTB&XH, các địa phương trong tỉnh đều có chung một hạn chế là thiếu sân chơi, các hoạt động vui chơi lành mạnh, nên trẻ thường phải chơi ở gần đường giao thông, gần ao hồ, sông suối, trụ điện, nương rẫy, cánh đồng... nơi tiềm ẩn những nguy cơ gây TNTT. Các công trình xây dựng nhà ở như khu chung cư, nhà tập thể, nhà ở của người dân cũng chưa thật sự an toàn, ý thức chấp hành các quy định về an toàn của người dân cũng chưa cao...
Nguyên nhân của thực trạng trên, Bà H’Ni Mlô, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Nhìn chung là do nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế. Việc ngược đãi, xâm hại, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng để xử lý, can thiệp kịp thời. Tình trạng thiếu trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục con còn khá phổ biến. Thiếu khung pháp lý toàn diện về bảo vệ trẻ em, một số quy định của luật pháp còn chưa cụ thể và thiếu tính đồng bộ. Chính quyền địa phương ở nhiều nơi vẫn chưa quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Song song với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng lại luôn có sự biến động. Đến nay, tỉnh cũng chưa có trung tâm công tác xã hội trẻ em, chưa có văn phòng, điểm tư vấn về bảo vệ trẻ em ở cộng đồng.
Xây dựng môi trường sống phù hợp và an toàn với trẻ em
Trong thời gian gần đây, Chương trình hành động vì trẻ em ở tỉnh ta đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực và đạt một số mục tiêu cơ bản, trong đó quan trọng nhất là 2 nội dung : “Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em” và “Ngôi nhà an toàn phòng, chống thương tích trẻ em”.
Xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em là xây dựng một cộng đồng xã, phường có môi trường sống an toàn, thân thiện mà ở đó mọi trẻ em đều có được sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, được hưởng các quyền cơ bản về giáo dục chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, có cơ hội để phát triển toàn diện. Năm 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định 37 về việc triển khai thực hiện công tác xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em, giao cho Sở LĐTB&XH chủ trì, đến nay đã triển khai tại 100% huyện, thị xã, thành phố và đến 70% xã, phường. Tính đến cuối năm 2011, đã có 63 xã, phường đạt chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em (đạt tỷ lệ hơn 34%), các hoạt động tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trẻ em được tăng cường, góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo kế hoạch hoạt động năm 2012, Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐTB&XH) sẽ tiến hành xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ tại 6 xã: Cư Êbua, Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột); Bình Hòa, Dur Kmăn (Krông Ana); Pơng Drang và Cư Pơng (Krông Buk) để từ đó từng bước phổ biến và nhân rộng ra cộng đồng, góp phần tạo môi trường sống an toàn, giảm thiểu TNTT trẻ em. Trên thực tế nhiều xã, phường trong tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình mang lại kết quả khả quan. Tại thị trấn Krông Năng và xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), cán bộ phụ trách văn hóa, xã hội của xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện trong từng cuộc họp thôn, buôn, tổ dân phố. Đồng thời mở lớp tập huấn cho hơn 120 gia đình có con từ 0 đến 16 tuổi và ký cam kết thực hiện xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá xem xét mức độ hoàn thành cam kết. Chính vì vậy tỷ lệ tai nạn thương tích trẻ em của 2 đơn vị này giảm hơn ½ so với những năm trước.
Tuy nhiên, để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả, bảo đảm quyền lợi và bình đẳng cho tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh thì các ngành chức năng cần có một cuộc khảo sát, đánh giá thực trạng từng xã, phường; đưa chỉ tiêu cụ thể vào Nghị quyết và coi đó là một trong những tiêu chí để xét thi đua, đồng thời có biện pháp xử lý chính quyền các địa phương để xảy ra nhiều vụ việc gây hậu quả liên quan đến trẻ em…
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc