Tấm lòng của những y bác sĩ Bệnh xá 737
Ia R’vê là xã còn nhiều khó khăn của huyện Ea Súp. Nhưng người dân vùng biên này phần nào yên tâm hơn khi trên địa bàn có một bệnh xá quân dân y kết hợp, ở đó luôn có những thầy thuốc tận tâm, hết lòng vì người bệnh.
Vượt khó...
Bệnh xá Trung đoàn 737 thuộc Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng) được thành lập từ tháng 6-2002. Những ngày đầu đi vào hoạt động đơn vị phải đối mặt với muôn vàn khó khăn chồng chất, từ nước sinh hoạt đến lương thực thực phẩm. Nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ sông suối, xử lý bằng clor để dùng; thực phẩm thì phải dùng dè xẻn, tiết kiệm vì một tuần tiếp phẩm mới vào một lần. Thêm nữa, Bệnh xá đứng chân ở địa bàn vùng sâu vùng xa, với gần 6.000 nhân khẩu thuộc 18 dân tộc anh em chủ yếu là người dân đi kinh tế mới đến từ các tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa… Theo đó, phong tục tập quán khác nhau cộng với địa bàn rộng, dân cư phân bố thưa thớt; đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa thường bị chia cắt cục bộ cũng là những thử thách đối với tập thể các y bác sĩ.
Hằng năm, Bệnh xá Trung đoàn 737 thường xuyên tổ chức các đợt khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn xã Ea R’vê. |
Nhưng theo các y bác sĩ tại đây, khó khăn lớn nhất của họ chính là nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Anh Đoàn Đình Hiển, y tá Bệnh xá 737 cho biết, người dân trong vùng thường có thói quen phải chờ bệnh thật nặng mới đi khám, nhẹ hơn thì xin thuốc; trữ thuốc trong nhà tự ý sử dụng; uống không đủ hoặc tăng liều lượng để mong khỏi bệnh sớm; thấy người thân, bạn bè có triệu chứng bệnh giống nhau là tự lấy thuốc uống… Ngoài ra thời tiết ở đây có phần khắc nghiệt nên dịch bệnh luôn có tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, lây nhiễm. Do đó, ngoài công tác chuyên môn, đội ngũ y, bác sĩ luôn chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc khám chữa bệnh, thực hiện nếp sống vệ sinh. Bệnh xá thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình hộ chính sách, đồng bào dân tộc… Vượt qua bao khó khăn, bằng tất cả tấm lòng “lương y như từ mẫu”, 5 năm trở lại đây, Bệnh xá đã tổ chức khám bệnh cho trên 10.000 lượt, điều trị trên 1.000 lượt bệnh nhân khỏi và ra viện an toàn; làm tốt công tác phòng chống bệnh dịch. Từ những kết quả đạt được, Bệnh xá 737 đã được Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 tặng thưởng nhiều danh hiệu, bằng khen dành cho tập thể và cá nhân…
Những kỷ niệm ân tình
Trong khó khăn, ở nơi đây có nhiều câu chuyện cảm động về tình người. Có lẽ, trong đời y sĩ của chị Hoàng Thị Bình - người đã công tác tại Bệnh xá ngay từ những ngày đầu thành lập, không bao giờ quên cơn lũ lớn nhất năm 2007. Đó là vào một chiều tháng 8, chị Trương Thị Nguyệt, thôn 12 (xã Ia R’vê) sắp sinh con vào Bệnh xá trong tình trạng nguy kịch, nằm ngoài khả năng đỡ sinh của Bệnh xá. Xe cứu thương đưa chị Nguyệt lên tuyến trên nhưng đúng thời điểm lũ về quá lớn, chia cắt toàn bộ xã Ia R’vê, việc đưa bệnh nhân lên bệnh viện huyện là điều không thể. Lúc này mọi người ai cũng lo lắng cho sự an toàn tính mạng của hai mẹ con chị Nguyệt. Không còn thời gian để do dự, cả kíp trực quyết định sẽ tiến hành đỡ đẻ ngay tại Bệnh xá với sự chỉ huy của Bệnh xá trưởng - bác sĩ Phùng Bá Cường. Từng giây, từng phút trong đêm mưa bão trôi qua trong sự âu lo của mọi người. Tới 6 giờ sáng hôm sau, sản phụ đã sinh một bé gái nặng 3,1kg cùng niềm vui vỡ òa của người thân và toàn bộ y bác sĩ tại Bệnh xá 737…
Tại Bệnh xá Trung đoàn 737 luôn có những y, bác sĩ hết lòng vì người bệnh. |
Không chỉ chữa bệnh cho bà con trong vùng, Bệnh xá cũng đã không ít lần nhận khám chữa bệnh giúp người dân nước bạn Campuchia. Còn chuyện nhiều y bác sĩ tổ chức nấu cơm, chia sẻ khẩu phần ăn, hỗ trợ xăng xe cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn cũng không phải là hiếm. Cảm tạ tấm lòng của những y bác sĩ nơi đây, bà con bày tỏ sự quý mến, ân nghĩa chân thành, mộc mạc bằng những món quà “cây nhà, lá vườn” như nồi chè trôi nước, bắp luộc, các sản vật ở quê hương Bến Tre như trái cây, kẹo dừa…
Theo bác sĩ Phùng Bá Cường, Bệnh xá trưởng Bệnh xá 737, tất cả các y bác sĩ tại đây đều luôn nhủ với mình là phải luôn thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp, xem nỗi đau cũng người bệnh như chính nỗi đau của bản thân, anh em ruột thịt của mình. Suy nghĩ ấy chính là động lực để mỗi người phục vụ và làm tốt công tác khám chữa bệnh ở vùng biên còn nhiều khó khăn này.
Gia Thịnh
Ý kiến bạn đọc