Multimedia Đọc Báo in

Chuyện buồn ở một làng quê

09:58, 09/11/2012

Trong một dịp đi công tác tại xã Ea Hđing (huyện Cư M’gar), tôi được nghe bà con nơi đây kể về một câu chuyện buồn đang diễn ra tại buôn Đrang cùng xã. Đây là một buôn có đa số người dân tộc Tày, Nùng di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống. Bên cạnh những nét văn hóa đẹp, thì những hủ tục, suy nghĩ lạc hậu vẫn còn tồn tại đâu đó ở một số người dân nơi đây, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình làng nghĩa xóm.

 Gần đây con anh K ở trong buôn thường xuyên bị đau ốm, nên vợ anh K đi bói tại xã Quảng Hiệp (Cư M’gar). Nghe thầy bói “phán” con chị bị bệnh thường xuyên là do “một người cùng xóm với chị làm bùa; người này ở căn nhà mới xây cuối xóm”. Vợ anh K về nhà suy đoán ở cuối xóm chỉ có gia đình anh N mới xây nhà và cũng là căn nhà xây duy nhất ở cuối xóm. Vốn cả tin, thật thà, nên nghe thế nào thì nói như vậy, câu chuyện của gia đình anh K đã nhanh chóng lan ra không chỉ trong buôn mà còn đến một số thôn xã lân cận. Không dừng lại ở đó, một số người còn lợi dụng đêm tối đến ném đá, ném xác gia xúc, gia cầm chết vào nhà anh N, khiến cho gia đình anh hoang mang lo sợ, đêm ngủ không ngon giấc. Gần đây nhất một số người còn loan tin rằng cô Y cháu ruột của anh N năm nay 18 tuổi sống ở một thôn gần đó đã bị bác bỏ bùa nên đã bị bệnh HIV. Thông tin này khiến cho Y buồn tủi, một số bạn trai đang tìm hiểu Y xa lánh vì cha mẹ cấm đoán không cho tìm hiểu Y nữa.

Kể từ đó không chỉ gia đình anh N sống trong sự cô lập của hàng xóm mà một số người anh em ruột của anh cũng bị bà con trong thôn buôn xa lánh. Không còn cách nào khác, anh N đành phải nhờ chính quyền và các đoàn thể địa phương vào cuộc giúp đỡ. Nhờ sự tuyên truyền vận động, gia đình anh K và bà con trong buôn đã hiểu dần ra sự việc, không còn ghét bỏ gia đình anh N nữa, con ốm đau thì chủ động đưa đi các cơ sở y tế khám chữa bệnh, không đến gặp thầy bói để chữa bệnh như trước đây nữa.

Nguyễn Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.