Dự án FLITCH: Góp phần cải thiện đời sống hộ nghèo ở Dak Lak
Mục tiêu của Dự án FLITCH là phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống người dân Tây Nguyên, nhất là các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Tại Dak Lak, dự án này bắt đầu khởi động từ tháng 6-2007 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2014. Đến nay dự án đã đi qua hơn 2/3 chặng đường với sự tham gia ngày càng nhiều và càng có trách nhiệm của người dân cũng như chính quyền địa phương nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra.
Vì sao người dân chưa mặn mà?
Dự án FLITCH ở Dak Lak được triển khai trong bối cảnh tương đối khó khăn: nguồn lực trong dân không lớn; yêu cầu của nhà tài trợ (Ngân hàng ACB) khá khắt khe và quan trọng hơn là cơ sở chế biến, tiêu thụ gỗ chưa đúng tầm dự án. Vì thế sự chọn lựa của người dân ban đầu không phải là trồng rừng, mà là những cây trồng ngắn ngày như sắn, bắp, đậu các loại… để có cái ăn trước mắt. Ông Ma Hin ở xã Cư Pui-huyện Krông Bông so sánh: trồng 1 ha bắp hoặc sắn, chỉ sau bốn tháng là có thu hoạch, ít nhất cũng được 20 triệu đồng. Còn tham gia dự án trồng rừng phải mất 7-8 năm, thời gian dài quá nên ít người hưởng ứng. Biết rằng khi tham gia dự án, Nhà nước sẽ hỗ trợ ban đầu 400 USD/ha, nhưng số tiền đó không đủ để trang trải… Nhiều người khác cũng có tâm sự như Ma Hin, nên tiến độ thực hiện dự án không đạt kết quả như mong đợi.
Người dân ở xã Cư San - huyện M’Drak chăm sóc rừng trồng theo dự án. |
Ông Lương Vĩnh Linh-Phó giám đốc dự án FLITCH cho biết: việc triển khai trồng rừng hộ gia đình theo mục tiêu của dự án hiện đạt kết quả rất thấp. Năm 2012, bốn huyện thuộc vùng dự án (Krông Bông, Lak, Ea Kar, M’Drak) chỉ mới thiết kế diện tích trồng rừng được 669/1.000 ha, đạt hơn 66% kế hoạch, và đến cuối tháng 9 vừa qua mới trồng được 141 ha, bằng 1,41%. Diện tích rừng trồng mới này chủ yếu do các hộ dân ở huyện Krông Bông và Lak thực hiện, còn huyện Ea Kar và M’Drak, mặc dù đã có thiết kế nhưng chưa thực hiện. Lý giải điều này, Ban quản lý dự án của các huyện cho rằng: người dân chưa thật sự mặn mà với việc trồng rừng một phần do thiếu nguồn lực (vốn, đất đai), phần còn lại chạy theo các loại cây trồng có tính chất mùa vụ trước mắt như sắn, ngô và các loại đậu đỗ khác… Ông Linh cũng cho biết thêm: không những các hộ dân trồng rừng đạt kết quả thấp, mà các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang vất vả với hợp đồng được ký kết. Được biết 15 công ty lâm nghiệp ở Dak Lak đã ký hợp đồng trồng rừng với dự án 880/1080 ha, bằng 81,48% kế hoạch nhưng đến nay mới chỉ trồng được 385 ha, đạt hơn 35% kế hoạch.
Trước tình hình trên, ông Linh cho rằng: nếu không đẩy mạnh công tác tổ chức, triển khai mạnh mẽ, rộng rãi và có hiệu quả từ cơ sở, nhất là cấp xã thì mục tiêu của dự án khó có thể tới đích; và do vậy đời sống cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa khó có điều kiện và cơ hội để vươn lên…
Soát xét và mở rộng dự án
Khắc phục những hạn chế trên; đồng thời để đẩy nhanh tiến độ dự án, bắt đầu từ năm 2012, Sở NN-PTNT phối hợp với Ban quản lý dự án FLITCH đã tiến hành soát xét lại công tác tổ chức, thực hiện dự án để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ những khó khăn nảy sinh nhằm hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đạt ra vào cuối năm 2015 như đã cam kết.
Việc đầu tiên là mở rộng vùng dự án đến nhiều địa bàn khác trong tỉnh (ngoài 10 xã của bốn huyện đã nêu); đồng thời kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia dự án. Tiến hành kiện toàn bộ máy điều hành các Ban quản lý dự án tại các xã, huyện đã ký kết hợp đồng trồng rừng theo hình thức hộ gia đình. Ông Lương Vĩnh Linh-phụ trách Dự án FLITCH cho biết: những khó khăn trong công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế quỹ đất trồng rừng cũng như các thủ tục tiếp cận nguồn vốn và ký kết hợp đồng giữa người dân với Ban quản lý dự án được tập trung giải quyết theo hướng gọn nhẹ và đơn giản hơn. Nhờ vậy đến nay, ngoài các hợp phần chính như cải thiện dân sinh, xây dựng năng lực và quản lý dự án đã được hoàn thiện, triển khai đồng bộ… thì hợp phần quan trọng nhất là phát triển và quản lý tài nguyên rừng cũng đạt được những kết quả khả quan. Các Ban quản lý dự án (từ cấp xã đến tỉnh) đã hoàn thành việc điều tra tài nguyên rừng trên địa bàn; xây dựng bản đồ lập địa cấp I,II; phân định ranh giới để giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cộng đồng. Có thể nói những cơ sở khoa học và pháp lý trên đã góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án FLITCH: nếu như những năm trước đây (chủ yếu từ năm 2009-2011), các hộ gia đình ở 10 xã của bốn huyện trong vùng dự án chỉ trồng được 250-270 ha rừng/năm, thì trong năm 2012, dự kiến sẽ trồng hơn 600 ha. Các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi được “bơm” thêm nguồn vốn của dự án (từ Ngân hàng ADB) cũng đã trồng được khoảng 1000 ha trong năm nay. Thêm nữa, sau khi UBND tỉnh đồng ý cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trồng rừng trong khuôn khổ dự án thì đã có 3 đơn vị đăng ký trồng gần 300 ha. Được biết hiện có nhiều doanh nghiệp đang hoàn thành thủ tục để tham gia dự án dưới hình thức liên kết với người dân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Điều đáng ghi nhận là đến nay, nguồn vốn phát triển rừng của dự án (CDF) đã được khơi thông từ cấp tỉnh cho đến cấp xã… giúp cho hộ nghèo có điều kiện tiếp cận để cùng với khoản hỗ trợ ban đầu của dự án (400 USD/ha) triển khai trồng rừng mà không lo bị “hụt hơi” như trước với mục tiêu cải thiện đời sống theo hướng bền vững cho gia đình mình và cộng đồng, xã hội. Với những nỗ lực đó, ông Linh nhận định rằng: đến cuối năm 2015, kế hoạch và mục tiêu của dự án chắc chắn sẽ hoàn thành. Diện tích rừng trồng được từ 250.000-300.000 ha trên địa bàn Dak Lak theo kế hoạch đặt ra trong dự án sẽ là nguồn tài nguyên đáng kể góp phần làm xanh rừng; đồng thời cũng giúp hàng chục nghìn hộ nghèo ở vùng sâu vùng xa cải thiện sinh kế, từng bước vươn lên thoát cảnh đói nghèo.
Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên được triển khai trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông, Lâm Đồng và Phú Yên. Mục đích là giảm tỷ lệ hộ nghèo đói, thu hẹp khoảng cách về thu nhập của các hộ nghèo so với hộ gia đình trung bình ở những địa bàn phải sống dựa vào rừng của 6 tỉnh trong vùng dự án; tăng cường khả năng quản lý rừng và đất rừng trong vùng dự án, đặc biệt là năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất lâm nghiệp cho hộ gia đình và cộng đồng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng.
Tại Dak Lak, dự án sẽ trồng khoảng 250.000-300.000 ha rừng (trong tổng số 1 triệu ha toàn vùng) với tổng mức đầu tư 11,64 triệu USD.Trong đó bao gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 6,56 triệu USD, vốn đồng tài trợ không hoàn lại từ Quỹ ủy thác Lâm nghiệp: 0,88 triệu USD, vốn đối ứng do ngân sách Trung ương và địa phương bố trí: 2,48 triệu USD và nguồn đóng góp của người hưởng lợi bằng công lao động và hiện vật: 1,72 triệu USD.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc