Tăng cường giảng dạy, huấn luyện An toàn vệ sinh lao động trong các trường nghề
Dạy An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong trường nghề được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tai nạn lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.
An toàn lao động song hành cùng trường nghề
“Từ nhiều năm nay học sinh, sinh viên của Trường đi thực tập ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với số lượng hàng nghìn em, nhưng chưa có trường hợp nào bị tai nạn lao động. Đó là do nhà trường luôn chú trọng đến công tác giảng dạy, huấn luyện ATVSLĐ cho các em ngay từ những ngày đầu bước vào trường” – thầy Nguyễn Quang Hìn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên chia sẻ.
Hiện trường đang đào tạo 27 nghề (ở cả 3 hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp), trong đó có 9 nghề hệ cao đẳng. Đối với những nghề như: điện, xây dựng, công nghệ ô tô, sửa chữa máy nông nghiệp, chế biến gỗ, may, cắt gọt kim loại, hàn… ngay từ những ngày đầu vào trường, sinh viên đã được học 30-45 tiết về ATVSLĐ. Ở những nghề như: kỹ thuật chế biến món ăn, chế biến cà phê, pha chế thức uống… sinh viên được học môn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài số tiết học quy định trong khung đào tạo, trường lồng ghép giảng dạy ATVSLĐ vào từng phần thực hành; kết hợp với một số cơ quan, doanh nghiệp giảng dạy thêm về ATVSLĐ. Nhà trường quy định những học sinh, sinh viên đạt điểm trung bình trở lên môn An toàn vệ sinh lao động mới được phân công đi thực tập; yêu cầu các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nơi học sinh đến thực tập phải có 5 tiết giới thiệu về ATVSLĐ nói chung và về ATLĐ trong đơn vị. Các đơn vị nhận sinh viên thực tập “truyền thống” của trường như: Công ty chế biến gỗ Trường Thành, Công ty chế biến gỗ Hoàng Nguyên, Công ty Ô tô 3-2, Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân; Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Hà; Công ty Dệt Thái Tuấn (TP. Hồ Chí Minh)… đều rất coi trọng việc hướng dẫn sinh viên thực hành song song với việc thực hiện các bước ATVSLĐ trong công xưởng, trên công trường… Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho sinh viên, nhà trường còn khống chế độ cao với các cơ sở thực tập là từ 4,5m trở xuống.
Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak cũng rất coi trọng công tác giảng dạy ATVSLĐ cho học sinh, sinh viên. Thầy giáo Phạm Xuân Vinh, Phó trưởng khoa Điện của trường cho biết: “Ở từng khoa, môn an toàn lao động được dạy theo một giáo án phù hợp. Nghề điện là nghề “truyền thống” chủ đạo của trường và xuyên suốt từ khi thành lập đến nay. Đây cũng là nghề mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bất thường và dễ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Chính vì vậy, môn An toàn điện được đưa vào giảng dạy cho học sinh ngay từ khi khai giảng khóa học, đồng thời được dạy song song với chương trình học và thực hành, thực tập”. Năm 2011, Khoa Điện được trang bị bộ thiết bị bảo hộ an toàn đạt chuẩn cho lớp học như: giày, ủng, găng tay, sào cách điện, thảm cách điện, bảo hộ lao động… Sinh viên Nguyễn Văn Thành, lớp Điện công nghiệp bộc bạch: “Chúng em được học kỹ lý thuyết về ảnh hưởng của dòng điện, nguyên nhân gây ra tai nạn điện, các biện pháp bảo vệ an toàn cho người và thiết bị khi sử dụng điện, các phương pháp sơ cấp cứu người bị điện giật… Các thầy còn hướng dẫn và bắt buộc sinh viên phải thực hiện nghiêm quy trình an toàn khi thực hành…”.
Sinh viên nghề cắt gọt kim loại (Trường CĐ Nghề Dak Lak) thực hiện những thao tác đảm bảo ATVSLĐ trước khi thực hành trên máy. |
Vẫn còn khó khăn, lúng túng trong dạy ATVSLĐ
Ông Phan Trọng Tùng, Trưởng phòng Lao động và việc làm (Sở LĐTB&XH) đánh giá: “Trong những năm gần đây, tai nạn lao động xảy ra không giảm mà mức độ có phần nghiêm trọng hơn”. Do đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo và đào tạo ATVSLĐ ngay từ trong các trường nghề nhằm tạo cho học sinh, sinh viên thói quen tuân thủ các quy định về cũng như nhận thức đúng về việc bảo đảm ATVSLĐ khi lao động, học tập để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ đầu năm 2012 được Sở tổ chức phát động ở Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak với sự tham gia của hàng nghìn học sinh, sinh viên của gần 20 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Theo khảo sát sơ bộ thì một số cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các trường hệ cao đẳng, trung cấp đã có môn ATLĐ trong khung chương trình đào tạo, tuy nhiên phần lớn các cơ sở dạy nghề vẫn chưa mấy quan tâm đến công tác này, vẫn còn một số bất cập trong quá trình giảng dạy bộ môn này trong các trường nghề…
Thầy Hìn chia sẻ: Tuy nhà trường đã xây dựng bộ môn giảng dạy riêng về ATVSLĐ nhưng vẫn chưa có giảng viên cơ hữu, chủ yếu vẫn là giáo viên dạy nghề đứng lớp. Thường thì trường sẽ bố trí giáo viên nghề có kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy và sản xuất để dạy. Ví dụ như ở khoa Xây dựng thì bố trí thầy giáo là kỹ sư xây dựng đã từng có nhiều năm làm việc trong ngành xây dựng, có kinh nghiệm và đã từng được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATVSLĐ. Hay như ở nghề Chế biến gỗ thì chọn thầy cô giáo đã từng làm việc trong lĩnh vực này trước khi trở thành giáo viên nghề… Thầy Đinh Hồng Nam, người trực tiếp giảng dạy môn An toàn Điện ở trường CĐ Nghề Dak Lak cũng trăn trở: mặc dù nhà trường đã quan tâm tạo điều kiện về thời gian nhằm nâng cao kiến thức về lĩnh vực ATVSLĐ, nhưng chương trình học vẫn còn ngắn, thiếu một số trang thiết bị phục vụ giảng và thực hành về ATVSLĐ như: Bông băng, gạc, nẹp… phục vụ cho việc sơ cấp cứu và các thiết bị bảo hộ lao động…
Từ thực trạng này, rất cần tổ chức những Hội thi tìm hiểu kiến thức ATVSLĐ trong trường nghề để học sinh học hỏi thêm các kiến thức về ATVSLĐ và trau dồi kỹ năng xử lý tai nạn lao động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ trong các trường nghề, trang bị cho lớp công nhân kế cận những kiến thức, kỹ năng và nhận thức về chấp hành quy định ATVSLĐ…
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc