Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng trong căn nhà Xuân

08:31, 01/02/2013

"Sau niềm vui nước nhà hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam, Bắc thống nhất, cho đến hôm nay tôi mới lại được nếm trải cảm giác hạnh phúc, vui mừng đến như vậy!”, bà Nguyễn Thị Huấn, trú tại thôn Đông Xuân, xã Ea B’lang (thị xã Buôn Hồ) chia sẻ tâm trạng như thế khi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vừa xây tặng.

Với bà, ngôi nhà xinh xắn không chỉ giúp an dưỡng lúc tuổi già mà quan trọng hơn là món quà tặng ý nghĩa, là “hoa thơm, trái ngọt” của độc lập tự do; là sự tri ân, nghĩa tình của cả cộng đồng đối với những người đã dâng hiến người thân yêu nhất cho đất nước. Sinh ra trên vùng đất Quảng kiên trung, anh dũng bất khuất, bà Nguyễn Thị Huấn có chồng (Liệt sĩ Ngô Quang Điệt) và cả bố, mẹ chồng (Liệt sĩ Ngô Hè và Võ Thị Trưa) hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những ký ức đau thương nhưng hào hùng ngày xưa ùa về qua những nếp nhăn hằn sâu trong đôi mắt sáng của bà, ngay khi đất nước bước vào một mùa Xuân mới, Đảng thêm một tuổi mới cũng là dịp bà vừa làm đám giỗ chồng trong căn nhà tình nghĩa. Bà lần giở kỷ niệm năm tháng thời gian qua những câu chuyện kể. Ngày ấy khi mới cưới nhau, chồng bà hoạt động du kích và sau đó làm Xã đội trưởng xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ông hy sinh ngày 27-1-1967. Đôi mắt bà ánh lên niềm tự hào khi nhắc về chồng: “Khi vừa về làm dâu, thấy ổng ham việc cách mạng tôi cũng lo lắm, bởi ổng là con một trong gia đình, nếu có mệnh hệ gì thì tôi có lỗi với cha mẹ chồng. Hiểu tâm tư vợ, ổng phủi tay, động viên “Bà chỉ lo hão, cứ ở nhà làm lụng nuôi con cái, chu toàn bổn phận làm dâu giúp tôi yên tâm làm nhiệm vụ là được rồi”. Vậy là ổng cứ lao vào việc của nước nhà, cho đến khi bị địch bắt, giết hại, phải 7 ngày sau mới tìm được thi thể”, bà hoài niệm. Mất người con độc nhất, cha mẹ chồng bà nuốt nỗi đau vào lòng, một mặt an ủi con dâu chăm lo con cái, một mặt quyết theo Đảng, theo cách mạng trả thù giặc, giành lại tự do cho đất nước. 2 năm sau (1969), ông bà cùng ngã xuống trong một đợt càn quét của giặc Mỹ; sau đó, liệt sĩ Võ Thị Trưa được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Huấn.
Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Huấn.

Giữ trọn đạo làm dâu, làm vợ, bà Nguyễn Thị Huấn thủy chung ở vậy  thờ chồng, dắt díu con cái vào Tây Nguyên lập nghiệp, nuôi con khôn lớn trưởng thành. 3 người con của bà giờ đã có gia đình, kinh tế ổn định, cũng có thể lo cho mẹ một căn nhà tươm tất, song với bà, căn nhà tình nghĩa mới là niềm an ủi, hạnh phúc lớn nhất lúc tuổi già. “Tết này tui thấy ấm lòng lắm các chú ạ! Có ai nghĩ bản thân đã góp phần hy sinh những người thân yêu nhất cho độc lập, tự do của đất nước mà mong muốn được đền đáp đâu? Ấy vậy mà Đảng, Nhà nước đâu quên họ, trái lại luôn quan tâm, chăm sóc, mong muốn phần nào bù đắp những mất mát, hy sinh ấy bằng cách này hay cách khác. Toàn bộ ngôi nhà này cũng như những vật dụng sinh hoạt gia đình đều do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Huyện đội, UBND huyện và chính quyền địa phương giúp cả đấy! Cha mẹ, chồng tui dưới suối vàng chắc sẽ yên lòng, mãn nguyện lắm”, bà trải lòng.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.