Nhọc nhằn nghề mua trái mít
Những ngày này, tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy với hai chiếc sọt tự chế của nhiều nông dân tranh thủ lúc nông nhàn rong ruổi khắp thôn cùng ngõ hẻm... kiếm thêm tiền trang trải bằng việc thu mua trái mít.
Trung bình mỗi ngày những người mua trái mít phải rong ruổi hơn 100 km. |
Nghề tay trái
Giữa cái nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên, anh Nguyễn Văn Hải loay hoay sửa chiếc xe gắn máy, nhưng mãi xe vẫn không nổ. Bất lực trước chiếc xe cà tàng, anh Hải đành bê những quả mít được chất ngay ngắn trong 2 chiếc sọt tự chế xuống đất và gọi điện thoại cho bạn cùng đi mua trái mít ở xã Ea Ngai (huyện Krông Buk) vào tăng bo hàng. Nhìn những trái mít xanh chất ở vệ đường, chúng tôi ngỏ ý muốn mua một trái, anh Hải nhanh nhảu chọn và nói: mít nghệ vừa chín tới ngon lắm! Tui định đem về cho mấy đứa nhỏ ăn, nhưng các cô thích thì cứ lấy. Anh Hải cho biết: hơn 10 năm rong ruổi khắp các buôn làng mua trái mít, anh đã quá quen với những sự cố: xe hỏng, sọt đựng mít bị gãy, kiến cắn, sâu nái đốt… nhưng có lẽ năm nay là vất vả nhất, bởi nắng nóng gay gắt kéo dài. Mặc dù bực mình trước sự bất kham của con “ngựa sắt”, nhưng nhờ vậy anh Hải có được chút thời gian hiếm hoi để nghỉ ngơi sau nhiều giờ rong ruổi khắp các vườn, leo trèo, bưng, vác mít từ các vườn đến chỗ tập kết. Gia đình anh chỉ có 1 ha cà phê kinh doanh, nên không mất nhiều thời gian chăm sóc, do đó những lúc nông nhàn anh tranh thủ đi mua mít, chủ yếu là tháng 3, tháng 4 vì đây là cao điểm thu hoạch loại trái cây này. Trước đây, mít xanh mua về nhập thẳng cho các đại lý, nhưng nay thì ủ chín, lột lấy múi nhập cho nhà máy chế biến, nhờ vậy mà thu nhập cũng tăng đáng kể. Với 300 kg mít xanh mua mỗi ngày, sau khi trừ hết chi phí, lãi khoảng 300 ngàn đồng. Với anh Nguyễn Hồng Sơn (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), gắn bó với nghề mua trái mít hơn 7 năm cũng chỉ là chuyện “chẳng đặng đừng” vì không biết làm nghề gì khác để kiếm thêm chút tiền nuôi các con ăn học. Trong khi mua trái mít, nếu chủ vườn nào có nhu cầu bán cây mít anh sẽ dẫn dắt mối đến mua và tùy thuộc vào “lòng thương” của hai bên mua bán mà anh có thêm vài chục ngàn đồng tiền mối lái.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
“Chớ nghĩ nông thôn là vắng vẻ, buồn tẻ. Hàng ngày, nơi đây luôn nhộn nhịp người đi mua mít trái để mưu sinh” - câu nói của anh Đinh Văn Hùng (ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đang mua mít trái ở xã Ea Ngai (huyện Krông Buk) đã gợi tò mò, thôi thúc tôi và một đồng nghiệp theo chân tìm hiểu về nghề này. Biết chúng tôi có ý định đi cùng, anh Hùng ngần ngại nói: “Đường khó đi lắm đó, phải lội bộ xuống tận vườn, trời nắng gắt vậy các cô có chịu nổi không?”. “Các anh đi được, thì tụi em cũng đi được” - tôi quả quyết. Lòng vòng vài khu vườn ở thôn 2 (xã Ea Ngai) để hỏi mua mít, cuối cùng có một chủ vườn đồng ý bán. Sau hơn 1 giờ lội bộ khắp vườn, trèo lên nhiều cây mít để thử, anh Hùng cũng hái được vài trái. Anh Hùng cho biết, những người làm nghề mua trái mít sợ nhất là gặp mít mủ chuối và mít ướt. Anh giải thích: dùng dao “chêm” một lỗ nhỏ trên quả mít, để vài phút nếu chỗ “chêm” bị thâm đen là mít bị mủ chuối. Mít này khi lột ra múi bị đen, công ty sẽ không mua. Do đó ngoài sức khỏe dẻo dai, trèo cây giỏi, những người làm nghề mua mít cần có chút kinh nghiệm mới mua được mít đạt yêu cầu. Nói thế thôi, phần lớn các chủ vườn thấy chúng tôi quần áo dính đầy mủ mít, bê bết đất cát nên thương và chỉ cho biết cây nào là mít ướt và cây nào bị mủ chuối. Nhưng nhiều lúc cũng mua nhầm, coi như mất cả vốn lẫn lãi. Cũng như nhiều nghề khác, những người mua mít trái cũng phải thiết lập mối quan hệ và tạo niềm tin với các chủ vườn như mua giá cao hơn, không thử mít nhiều lần… để năm sau chủ vườn còn bán tiếp cho mình, bởi mỗi ngày có hàng chục người mua mít tìm đến hỏi mua. Nhìn những thân cây mít to bằng cả người ôm, cành vươn cao thẳng tắp, tiềm ẩn nhiều điều đáng sợ, tôi hỏi: trèo cao vậy các anh có sợ không? Anh Hùng đáp: “Nói không thì bảo tui nói dối, chứ thật tình khi nghĩ đến chuyện các bạn cùng đi bị té ngã, tôi ớn lạnh cả sống lưng. Nhưng vì miếng cơm, phải liều thôi!”. Anh kể: trèo mít bị gãy tay, gãy chân, gãy xương sống là chuyện bình thường. Hái được một quả mít vất vả lắm, phải leo, phải thử, phải bê, chưa kể khi xe bị hỏng hóc. Còn nhớ cách đây không lâu, một người đi mua mít trái nhà cũng ở xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) trong lúc trèo lên cây hái trái, không may cành mít bị sâu, gãy nên anh ngã xuống, bị gãy xương sống. Hay trường hợp chị T. đang trèo lên cây hái mít thì bị trượt chân ngã, con dao nhỏ dắt đằng sau túi đâm vào lưng, gây trọng thương.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc