Multimedia Đọc Báo in

Đối xử công bằng với con trẻ

12:55, 25/08/2013

Trong nuôi dạy con trẻ, không ít ông bố, bà mẹ bó tay, bất lực; kéo theo bao hệ lụy đáng buồn. Nuôi dạy con nên người quả là việc không đơn giản với những bậc sinh thành. Ở đây xin đề cập lối ứng xử không phù hợp nhưng khá phổ biến của những người làm cha làm mẹ, đó là không tôn trọng, không công bằng với con.

Ngày nay, trẻ em được trang bị nhiều kiến thức để tự lập và phòng vệ, được tìm hiểu cả Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em ngay từ lớp 6. Vậy nên, khi bị cha mẹ cậy quyền “nói gian” để mắng oan, con liền phản ứng. Nếu tranh luận thẳng thắn, lắm khi cha mẹ thua con. Nhưng với không ít người, việc con cãi lại (dù đúng) cũng đồng nghĩa quyền của bậc sinh thành bị xúc phạm, không thể chấp nhận. Có không ít trường hợp, mẹ có thể mắng con như xát muối nhưng con vừa mở miệng thanh minh là bị “dập” ngay: “Còn dám cãi nữa hả?!”; thậm chí có không ít ông bố bà mẹ áp đặt con cả trong chọn kiểu tóc, quần áo, chọn bạn. Điều ấy khiến trẻ mất tự do, bức xúc khi cảm thấy không được tôn trọng. Đơn cử một ví dụ cụ thể, tôi có một đứa cháu gái 6 tuổi (gọi tôi là cậu) hay bị mẹ mắng vì những lý do không đâu. Một lần cháu vừa khóc vừa ấm ức thưa với bố: “Con có la mẹ đâu mà mẹ cứ la con hoài?!”. Rõ ràng đứa bé lớp 1 đã biết phản ứng trước sự đối xử không công bằng của người mẹ.

Bên cạnh đó, sự đối xử không công bằng còn thể hiện: tuy cùng một việc, cha mẹ thì làm được, nhưng con thì không. Cha có thể uống rượu, hút thuốc nhưng con (dù là sinh viên) cũng phải coi đó là điều cấm. Cha có thể đi nhậu từ đầu đêm đến gà gáy nhưng con đi mừng sinh nhật bạn về trễ một chút là sinh chuyện. Nếu con làm đổ vỡ cái gì đó, có thể bị mắng, thậm chí ăn đòn nhưng cha mẹ mắc lỗi tương tự thì chỉ… cười trừ. Lại lấy ví dụ từ chuyện của đứa cháu 6 tuổi hay bị mẹ mắng: Hôm cháu đến chơi nhà, tôi vô tình làm cháu ngã nên vội vàng xin lỗi. Cháu ngạc nhiên: “Cậu mà xin lỗi con à?”. Sau chút ngỡ ngàng, tôi giật mình nhận ra một thực tế là nếu trẻ sai thì phải xin lỗi người lớn nhưng nếu cha mẹ sai mà xin lỗi con thì hơi… bị khó. Bởi với không ít người, xin lỗi con cũng đồng nghĩa hạ mình chứ không phải là biểu hiện phục thiện.

Có thể nói, cha mẹ không tôn trọng, không công bằng với con trẻ sẽ khiến trẻ không tâm phục khẩu phục; khoảng cách giữa cha mẹ và con cũng vì thế tăng lên. Trong nhiều trường hợp, trẻ trở nên gần gũi bạn bè, người ngoài hơn là với gia đình; vậy nên không ít bậc cha mẹ bất ngờ khi biết những điều tồi tệ về con và lúc đó đã là quá muộn. Thiết nghĩ với con trẻ, sự yêu thương, tôn trọng và gần gũi là những “dưỡng chất” cần cho chúng lớn khôn thay vì sự áp đặt quyền uy của cha mẹ.         

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.