Hiến máu cứu người – Nghĩa cử từ trái tim
(Tiếp theo)
Kỳ II: Mỗi giọt máu cho đi...…
Cũng từ số phận những đứa trẻ mang trong mình bạo bệnh, suốt đời phải truyền máu để duy trì sự sống; cũng từ những trường hợp không may lâm vào cơn nguy kịch phải truyền máu, đã có biết bao câu chuyện về tấm lòng nhân ái, sẵn sàng hiến tặng những giọt máu hồng. Họ tình nguyện tham gia hoạt động này chẳng phải để được nêu gương, mà vì một lẽ rất đơn giản: mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại…
Được cho máu là hạnh phúc
Em Đỗ Minh Cường, bệnh nhân Thalassemia, tặng hoa anh Mai Tiến Hùng, một trong những tình nguyện viên tích cực trong phong trào hiến máu. |
Đâu chỉ có những người bệnh trong cơn nguy kịch khi được tiếp nhận máu mới hạnh phúc. Cả những người đi hiến máu cũng rất hạnh phúc, dù việc làm của họ âm thầm và lặng lẽ. “Một lần xem trên truyền hình thấy có thông tin về hiến máu, thế là tôi rủ cô con gái cùng đi. Cũng có người hỏi tôi sao tự dưng lại đi hiến máu, không sợ đau, không sợ ảnh hưởng sức khỏe à? Nhưng tôi chỉ nghĩ, người ta hiến máu được, mình thấy mình cũng khỏe mạnh, tại sao lại không? Thú thực, tôi quanh năm quanh quẩn với nương rẫy, hiểu biết cũng có hạn nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu có hại cho sức khỏe thì người ta vận động, kêu gọi mọi người tham gia hiến máu làm gì?”, chị Trần Thị Diệp, ở 200/2 Y Wang, TP. Buôn Ma Thuột chân thành bộc bạch. Từ suy nghĩ ấy, suốt nhiều năm nay, hai mẹ con chị đã trở thành khách hàng quen thuộc của Văn phòng hiến máu tình nguyện của tỉnh cũng như Phòng Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cứ khi nào hai mẹ con đi hiến máu, được hiến là lại mừng. Mừng có thể góp máu cứu người, nhưng cũng mừng cho mình vì sức khỏe vẫn tốt, bảo đảm để được hiến máu. Chị Diệp kể: Con gái chị đợt nào đi hiến máu mà không được hiến là về “ấm ức” lắm và lại gắng ăn uống điều độ cho khỏe để lần sau không bị loại vì không… đủ cân, đủ ký. Thấy việc đi hiến máu của mình, chẳng những không ảnh hưởng sức khỏe mà còn có thể giúp được nhiều người, chị vận động cả chồng và cháu ruột cùng đi. Mới đây nhất, chị dẫn theo con và cháu tham gia chương trình “Hành trình đỏ”, một trong những đợt hiến máu lớn nhất ở Dak Lak từ trước đến nay. Cũng có đôi lần chị bỏ dở công việc nương rẫy đang làm khi nhận được điện thoại có trường hợp bệnh nhân trong viện cần truyền máu gấp. “Chỉ cần mình có sức khỏe, còn hiến được máu là chị đi, bất kể giờ giấc, công việc không làm lúc này thì làm lúc khác, cứu người mới là quan trọng”, chị Diệp cười hồn hậu.
Cũng là một trong những điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh, gia đình chị Phạm Thị Nhung ở 45/24 Nguyễn Viết Xuân, TP. Buôn Ma Thuột được biết đến với thành tích cả nhà cùng hiến máu. Sự cảm phục và trân trọng của chúng tôi bắt đầu từ câu chuyện với Phượng, cô con gái út của chị Nhung có biệt hiệu “sếu”. Phượng đang là sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên, nhìn em gầy gò và cao kều, chẳng ai nghĩ em có thể hiến được máu. Ấy thế mà mới đây nhất, Phượng cũng đã được gia nhập câu lạc bộ hiến máu của cả nhà, gồm bố, mẹ và anh trai. Dẫu “thua” mẹ đã được 4 lần hiến máu, anh trai 5 lần và bố 2 lần hiến máu nhưng Phượng mừng lắm vì được góp phần đem những giọt máu nhỏ của mình cứu người. Với chị Nhung, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột, tiếp xúc với nhiều trường hợp, hoàn cảnh nguy kịch, thương tâm nên bản thân chị thấu hiểu ý nghĩa của những giọt máu hồng. “Chỉ khi nào bạn lâm vào hoàn cảnh nguy kịch, mong manh giữa sự sống và cái chết, bạn mới thấy hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp như thế nào và cần sự hưởng ứng của cộng đồng”, chị Nhung tâm sự. Cũng từ suy nghĩ ấy chị Nhung đã thắp lên ngọn lửa nhân đạo bắt đầu từ trong ngôi nhà nhỏ của mình.
Hiến máu cứu người cũng là niềm vui. |
Cống hiến thầm lặng
“Mỗi giờ có hàng ngàn tính mạng con người trên thế giới bị đe dọa vì thiếu máu, họ có thể là bản thân, gia đình hay bạn bè và những người xung quanh bạn. Trong những giây phút cận kề giữa sự sống và cái chết, những giọt máu nhân đạo là nguồn sống vô cùng quý giá đối với họ. Khi bạn hiến máu cũng có nghĩa là bạn đem lại cho những người bệnh và người thân của họ một niềm hạnh phúc lớn lao mà không một thứ vật chất nào có thể đánh đổi được” – suy nghĩ ấy cũng chính là động lực khiến anh Mai Tiến Hùng, một chủ kinh doanh tại TP. Buôn Ma Thuột trở thành một tình nguyện viên hiến máu tình nguyện. Bản thân hiến máu đến 20 lần, anh còn vận động những người xung quanh mình cùng tham gia hiến máu. Là một thành viên của Ngân hàng máu sống, anh luôn sẵn sàng bệnh viện hiến máu cho bệnh nhân vào bất cứ giờ nào trong ngày. Thậm chí, có lần nhận được điện thoại tìm người cho máu có cùng nhóm máu với bệnh nhân, anh đã huy động nhân viên và cả những khách hàng đang có mặt tại cơ sở kinh doanh của mình cùng cho máu.
Cũng như anh Hùng, hằng ngày, hằng giờ vẫn có biết bao người tình nguyện với công việc hiến máu thầm lặng nhưng cao đẹp này. Máu của họ đã và đang chảy trong cơ thể của không ít bệnh nhân đã từng rơi vào ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Họ làm không phải để được tuyên dương, mà tất cả là tiếng gọi từ trái tim yêu thương. Mỗi lần hiến máu cứu người, có khi chẳng mấy người biết, mấy người hay nhưng họ vẫn vui. Cuộc đời lại thêm nhiều ý nghĩa. Từ niềm vui đầy ý nghĩa ấy, thầy giáo Mai Hồng Song (Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên) đã luôn sẵn sàng, bất kể ngày hay đêm, khi nhận được những cuộc gọi có người cần truyền máu. Mới đây nhất, ngày 4-8, lúc ấy đã 22 giờ 30 phút, anh nghe thông tin có một em bé 14 tuổi bị xuất huyết nội tạng, thuộc nhóm máu hiếm, đang cần được truyền máu. Mặc dù mới tham gia hiến máu trước đó ít lâu nhưng anh vẫn tìm mọi cách có thể. Anh đã rủ được một người hàng xóm có cùng nhóm máu với em bé và ngay trong đêm hai anh em cùng vào viện để cứu giúp em bé. Với tư cách là Phó Bí thư Đoàn trường, anh Song còn cùng với tập thể Ban Chấp hành Đoàn và Ban Giám hiệu thành lập Câu lạc bộ máu sống của trường. Ý tưởng này được khởi nguồn từ năm 2008, lúc ấy trong trường có một học sinh bị ngã, dập lá lách, phải cấp cứu, cần hiến máu nếu không nguy hiểm đến tính mạng. Nhà trường đã phải huy động 5 chuyến xe 30 chỗ chở học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên tới bệnh viện để xét nghiệm, sàng lọc xem ai có cùng nhóm máu với bệnh nhân để kịp thời truyền máu. Câu lạc bộ máu sống của Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên ra đời sau đó và hiện đã phát triển với 150 tình nguyện viên, sẵn sàng hiến máu cứu người khi cần.
Sau khi hiến máu, biết bao bệnh nhân đã thoát khỏi cơn hiểm nghèo và rất nhiều trường hợp họ cũng chẳng biết ai đã hiến máu tặng mình. Dẫu chẳng nhận được lời cảm ơn nhưng những người cho đi giọt máu hồng không lấy đó làm buồn, đổi lại họ có được niềm vui, sự thanh thản khó diễn tả. Xin mượn lời của em Đỗ Minh Cường, bệnh nhân Thalassemia để thay lời cảm ơn những trái tim hồng: “Cháu hiểu rằng để dành cho chúng cháu những dòng máu nhân đạo này, các cô, chú, anh, chị và những người hiến tặng phải có trái tim bao la và mạnh mẽ vô cùng. Nhiều người đã hy sinh một phần máu trong huyết quản của mình để những bệnh nhân như cháu có cơ hội được sống. Các cô, chú chấp nhận cho đi khi mà chúng cháu chẳng thể đền đáp lại ân đức. Thậm chí, sau những lần truyền máu, chúng cháu không hề biết tất cả những ai đã âm thầm hiến tặng số máu đó…”.
(Còn nữa)
Đàm Thuần – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc