NHÂN NGÀY VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐÔC DA CAM VIỆT NAM (10-8)
Điều mong ước nhỏ nhoi!
Người xưa nói: "Nuôi con những ước về sau", song với những ông bố, bà mẹ có con bị phơi nhiễm chất độc da cam thì mong muốn lớn nhất là có đủ sức khỏe chăm sóc các con…
Không ai chăm sóc con bằng bố, mẹ
“Chỉ cần con gái có thể tự tắm rửa, tự ăn cơm được là vợ chồng tôi yên tâm”- lời tâm sự hay nói đúng hơn là mong ước của ông bố ngoài 60 tuổi tại lễ trao quà các nạn nhân da cam/dioxin huyện Krông Bông nhân kỷ niệm 52 năm Ngày thảm họa da cam tại Việt Nam (10-8-1961-10-8-2013) làm nhiều con tim se thắt... Không ít người tham dự đã xúc động khi nghe người đàn ông gầy rộc, xanh xao ấy kể về hoàn cảnh của gia đình mình.
Hằng ngày chăm sóc con gái, lòng ông Phin quặn thắt. |
Ông là Trần Anh Mai (sinh năm 1953) hiện ở thôn 11, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông. Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Mai lên đường nhập ngũ và được phiên về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, tham gia chiến đấu trên chiến trường từ Lào đến Quảng Trị. Tháng 10-1972 ông Mai bị thương, được chuyển ra Bắc để điều trị. Tháng 6-1974, ông phục viên về quê Hà Nam và lập gia đình. Niềm vui của vợ chồng ông chẳng được bao lâu khi 3 đứa con chào đời đều không lành lặn và lặng lẽ rời bỏ bố mẹ ra đi mãi mãi. Đến cô con gái thứ 4 Trần Thị Bén (sinh năm 1983) chào đời khỏe mạnh, gia đình vô cùng vui mừng, nhưng rồi lại thất vọng khi Bén chỉ nằm một chỗ, không đi lại được. Khát khao có nơi để nương tựa lúc về già, 2 vợ chồng ông Mai đã sinh thêm mấy người con nữa nhưng cũng không toại nguyện. Ông Mai không ngờ rằng những năm tháng tham gia chiến đấu tại chiến trường đã để lại di chứng cho các con. Hiện mọi sinh hoạt của Bén đều phải nhờ vào bố mẹ; em trai Bén là Trần Văn Duy (sinh năm 1988) mắc chứng bệnh kỳ lạ, toàn thân nổi hạt, ban đầu nhỏ như hạt gạo, sau lớn dần lên, mưng mủ. Hai vợ chồng ông Mai đã chạy chữa ở nhiều bệnh viện, bệnh của Duy có phần thuyên giảm, nhưng cùng với đó kinh tế gia đình cũng kiệt quệ.
Trong căn nhà tình nghĩa được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ xây dựng cách đây 4 năm, ông Mai và vợ không khỏi lo lắng khi sức khỏe ngày một yếu đi, mà con gái đã 30 tuổi vẫn như một đứa trẻ. Hằng ngày, vợ ông Mai phải ở nhà chăm sóc Bén, một mình ông bươn chải đắp đổi qua ngày, nhưng ngặt nỗi vết đạn nằm ở gần cột sống không cho phép ông làm việc nặng. Dẫu đã dự liệu cho tương lai của Bén, ông bà vẫn canh cánh nỗi niềm, khi mình đi xa, bởi không ai có thể chăm sóc con gái bằng chính cha, mẹ đẻ….
Chỉ mong mình không ốm đau…
Dẫu biết rằng không tránh khỏi quy luật nghiệt ngã của thời gian và tạo hóa nhưng ông Trương Văn Phin (thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn thấy lòng bất an. Ông sợ tuổi già như ngọn đèn trước gió, một mình vợ khó chăm sóc chu toàn 3 đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Ánh mắt đượm buồn, giọng trĩu nặng lo âu, ông chia sẻ: sinh được 5 người con, thì 2 đứa không trọn vẹn hình hài. Con gái đầu Trương Thị Vân mất sau một tuần chào đời, con gái thứ 2 Trương Thị Thương (sinh năm 1982) từ khi sinh ra đến nay nằm liệt trên giường. Nhìn em nằm lọt thỏm trên chiếc giường, khó nhọc cầm khăn giấy lau mặt, chúng tôi không khỏi xót xa và hiểu điều lo lắng của ông Phin. Lẽ ra, ở cái tuổi ấy Thương cũng có những ước mơ, có một mái ấm gia đình, vậy mà cha mẹ vẫn phải thay nhau đút từng miếng cơm, muỗng cháo, làm vệ sinh cho em. Niềm hy vọng lớn nhất của vợ chồng ông Phin là đứa con trai Trương Văn Thành, nhưng cách đây vài tháng chứng bệnh thần kinh khiến em không thể tiếp tục học khi đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Cơ điện Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak. Dự liệu cho con sau khi học xong, tìm một việc làm ổn định, lập gia đình, thay ông gánh vác trách nhiệm chăm sóc chị gái thật mong manh… Hằng ngày, chăm sóc các con lòng ông Phin quặn thắt. Ông bảo, giờ thì ông cũng chẳng thể khóc nổi bởi nỗi đau trở nên chai sạn, chỉ thương và lo lắng cho các con. Vất vả chăm sóc con nhưng đó là niềm hạnh phúc, sự an ủi, chỉ mong sao mình được khỏe mạnh không ốm đau để làm chỗ dựa cho các con đỡ khổ. 40 năm trước ông cùng nhiều thanh niên trong làng tràn đầy hoài bão hăng hái tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, còn giờ đây mọi thứ đều phải trông chờ vào vợ. Chia sẻ gánh nặng với vợ bằng những công việc lặt vặt trong nhà, nhưng khi nhìn cơ thể khiếm khuyết của con, bất giác cảm giác lo âu tràn về… Hiện ông đang tiến hành các thủ tục để Thành được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thương con, thương mình, nhưng ông tự bảo vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, bởi có những đồng đội đến giờ vẫn không có một mụn con.
Chia tay những gia đình bị phơi nhiễm chất độc da cam trong cơn mưa nặng hạt, lòng chúng tôi quặn thắt bởi ánh mắt diệu vợi, những điều mong mỏi nhỏ nhoi của các đấng sinh thành đang hằng ngày đối diện với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần khi nhìn những người con chịu cảnh vật vã, bởi di chứng của chất độc da cam…
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc