Multimedia Đọc Báo in

NHỮNG VIỆC LÀM BÌNH DỊ MÀ CAO QUÝ

21:18, 30/01/2014

Không mưu cầu lợi ích cho riêng mình, ngày ngày họ thầm lặng làm người kết nối, san sẻ yêu thương, mang niềm vui đến với mọi người…

Nặng lòng với người nghèo

Người dân ở huyện Cư Kuin không xa lạ với chị - người phụ nữ dân tộc Êđê năng nổ, xông xáo. Bất kể lĩnh vực nào liên quan đến người nghèo chị đều có mặt: giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 132,134, làm nhà theo Quyết định 167, đào tạo nghề lao động nông thôn, xuất khẩu lao động… Chị là H’Bliăk Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, nhưng mọi người vẫn thường gọi với cái tên thân thương là Amí Bưng.

Chị H'Bliăk Niê (phải) thăm lao động đang làm việc tại Malaysia.
Chị H'Bliăk Niê (phải) thăm lao động đang làm việc tại Malaysia.

Từ khi còn là cán bộ xã Ea Tiêu chị đã quan tâm chăm lo và có nhiều quyết sách táo bạo vì người nghèo. “Có lẽ do sinh ra từ nghèo khó, lại sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ nên dễ hiểu, cảm thông, chia sẻ với người nghèo hơn. Mình luôn tâm niệm rằng làm điều gì cho người nghèo chính là làm cho bản thân, cho người nhà của mình”, chị bộc bạch. Chị “xắn tay” cùng chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn về đất ở, đất sản xuất; tranh thủ sự đồng thuận của lãnh đạo các cấp, ngành hữu quan, “gõ cửa” nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn huyện vận động chung tay đẩy nhanh tiến độ làm nhà ở cho hộ nghèo. Về phía đồng bào, chị xuống từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh thực tế, vận động bà con, dòng họ cho đất, cho mượn tiền làm nhà khang trang hơn. Với cách làm rất riêng, Cư Kuin là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành Chương trình 167 và sớm hơn thời hạn gần nửa năm. Có đất sản xuất, chỗ ở ổn định rồi, để giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, cần tạo động lực cho các hộ vươn lên - Amí Bưng quả quyết. Ngoài chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, trên cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện, chị chủ động đến từng thôn, buôn, gặp trực tiếp các hộ nghèo tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, phân tích nguyên nhân nghèo, từ đó đưa ra các giải pháp giảm nghèo phù hợp. Không chỉ cử cán bộ xuống “cắm chốt” ở thôn, buôn hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, chị H’Bliăk Niê còn đến từng doanh nghiệp ngoài tỉnh và một số doanh nghiệp nước ngoài - nơi có lao động là con em đồng bào trong huyện làm việc để gặp gỡ, động viên người lao động; làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp này trong việc thực thi các chính sách đối với người lao động, đồng thời tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng để xây dựng kế hoạch đào tạo lao động của địa phương sát với nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, con em đồng bào dân tộc thiểu số rất yên tâm đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động. Đến nay huyện Cư Kuin có hơn 300 người xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhiều nhất so với các địa phương khác trong tỉnh, nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi tiền về không chỉ mua sắm trang thiết bị sinh hoạt mà còn mua đất để lo cho tương lai, Amí Bưng vui mừng cho biết. 53 tuổi-cái tuổi không còn trẻ, đôi lúc cũng thấm mệt, nhưng chị bảo: Đảng còn tin, dân còn yêu thì mình vẫn còn tiếp tục làm vì người nghèo.

Hạnh phúc vì được dấn thân với nghề

Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh vinh dự nhận giấy chứng nhận và biểu trưng Giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 do Giám đốc Sở GD-ĐT và Chủ tịch Công đoàn ngành trao tặng.
Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh vinh dự nhận giấy chứng nhận và biểu trưng Giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 do Giám đốc Sở GD-ĐT và Chủ tịch Công đoàn ngành trao tặng.

Cách đây 3 năm, những đại biểu tham dự Lễ tuyên dương phát thưởng học sinh giỏi Quốc gia không khỏi thán phục khi một học sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng (huyện Krông Pak) được xướng tên. Nhìn cô học trò Đinh Thị Quý tự tin, rạng ngời nhận Bằng khen giải Ba môn Văn và phần thưởng do lãnh đạo UBND tỉnh trao tặng, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh vỡ òa trong niềm vui sướng. Thành quả sau nhiều năm dày công phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi của cô Hạnh đã cho quả ngọt. Niềm vui như nhân lên bởi lần đầu tiên ngôi trường ở xa trung tâm thành phố vài chục ki-lô-mét, chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 thấp, phần lớn phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con lại có học sinh đoạt giải Quốc gia. Có được kết quả ấy, cô giáo Hạnh phải lặn lội đến tận nhà động viên học trò đến lớp, đồng thời vào mạng tìm kiếm tài liệu giúp các em ôn thi học sinh giỏi. Từ khi còn là học sinh phổ thông, cô Hạnh đã rất say mê với những bài học, những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu. Hình ảnh và nhân cách của thầy Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ kiệt xuất Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ hết lòng truyền đạt tri thức, tư tưởng tiến bộ, chỉ ra tầm quan trọng của việc học mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng đã ăn sâu vào tâm khảm của cô học trò người Hà Tĩnh để rồi khi tốt nghiệp THPT, Hạnh đăng ký thi vào ngành sư phạm. May mắn hơn nhiều đồng nghiệp, Hạnh được quay lại chính ngôi trường THPT Phan Đình Phùng - nơi đã chắp cánh ước mơ làm cô giáo để truyền “lửa” say mê học tập cho các em nơi vùng quê nghèo khó. Bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, cô Hạnh nhẹ nhàng phân tích, gợi cho các em cảm nhận được ý nghĩa của từng chi tiết để có thể phát triển thành những câu văn sâu sắc, có hồn và rồi không biết từ khi nào, học sinh bị cuốn hút vào những tiết học Văn. Nhiều học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, mỗi tiết học của cô Hạnh đều đem đến một cảm xúc, ấn tượng riêng, giúp chúng em nhận ra những điều hay, biết thêm nhiều kiến thức mới. Qua những bài giảng của cô các em như hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm để thêm yêu nàng Kiều mười lăm năm lưu lạc, thương cảm hơn với cảnh đời của lão Hạc, thổn thức trước những giằng xé tâm trạng của chị Dậu khi phải bán đứa con mình đứt ruột đẻ ra… Cô Hạnh luôn quan tâm tới sự tiến bộ, vui sướng trước thành công cũng như trăn trở trước khuyết điểm của học sinh và tìm cách giúp các em tiến bộ. Mỗi ngày đến lớp khi nhìn các em như trưởng thành hơn sau mỗi bài học là một niềm vui với cô giáo trẻ.

Nguyện làm "cầu nối" yêu thương

Trở lại thôn Xuân Lộc (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) khi xuân Giáp Ngọ đang gần kề, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Năng không còn day dứt nữa. Niềm vui như được nhân lên khi 4 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ đang quây quần trong căn nhà tình thương trị giá gần 100 triệu đồng do Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên và đơn vị thi công trao tặng tháng 4-2013. Ngoài ra, hằng tháng Đoàn thanh niên Công ty còn hỗ trợ các cháu 30 kg gạo kèm theo dầu ăn, mắm muối… trong 12 tháng. “Khó có thể cầm được nước mắt trước hoàn cảnh thương tâm của 4 cháu khi bố mẹ lần lượt qua đời, căn nhà ván cấp 4 xiêu vẹo, tuềnh toàng càng trở nên trống vắng. Tiếng gào thét đòi mẹ, kêu tên bố của bé Trần Hiếu khi ấy chưa đầy 3 tuổi nơi góc nhà làm nghẹn lòng nhiều người với nỗi lo: rồi đây 4 đứa trẻ lít nhít này sẽ ra sao?” ông Tùng bồi hồi nhớ lại. Không ai bảo ai, những cán bộ, nhân viên Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Năng đã “gõ cửa” kêu gọi nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm rộng mở tấm lòng cứu giúp những đứa trẻ đáng thương. Qua chương trình “Nâng cánh ước mơ” do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp tổ chức, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên đã hỗ trợ kinh phí làm nhà; nhiều cá nhân, đơn vị trong tỉnh ủng hộ các cháu hơn 11 triệu đồng.

Ông Tùng quan tâm chăm sóc trẻ mồ côi.
Ông Tùng quan tâm chăm sóc trẻ mồ côi.

Một ngày mới của ông Tùng lại bắt đầu với những công việc tất bật của một cán bộ Hội Chữ thập đỏ. “Một mình một ngựa”, ông rong ruổi khắp các xã, thị trấn trong huyện nắm tình hình, tìm hiểu những phận đời kém may mắn, sẵn sàng chia sẻ tinh thần và vật chất. Nhờ những lần đi khảo sát như vậy, những năm gần đây, nhiều đối tượng tàn tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện có xe lăn, nhà tình thương, được tặng bò để phát triển kinh tế. Để có nguồn kinh phí này, ngoài vận động các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân trên địa bàn huyện, ông Tùng và cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện còn mở rộng địa bàn đến TP. Hồ Chí Minh. Ông tâm sự: “Của cho không bằng cách cho. Người nghèo, người gặp khó khăn, hoạn nạn rất cần sự quan tâm, động viên chia sẻ của xã hội, nhưng phải khéo léo, tế nhị để sự quan tâm ấy thực sự đem lại niềm vui”. Công việc vất vả, nhưng thêm một trường hợp khó khăn được cứu trợ kịp thời dù chỉ là nhu yếu phẩm, tấm tole lợp nhà, ít quần áo cũ…ông Tùng thấy vui hơn vì mình đã làm tròn vai trò cầu nối yêu thương.

Nâng đỡ những phận đời bất hạnh

Hơn 200 người già yếu bệnh tật, không nơi nương tựa, lẫn cô nhi, trẻ sơ sinh bị vứt bỏ trước cổng chùa đã tìm thấy niềm an ủi, hạnh phúc trong vòng tay che chở của Sư cô Thích nữ Huệ Hướng, Trụ trì Chùa Bửu Thắng, thị xã Buôn Hồ. Giữa chốn cửa thiền, tâm hồn của những phận đời kém may mắn đã được sưởi ấm, cảm nhận thêm những giá trị cao đẹp của tình người. Khó có thể quên hình ảnh các bé  xúng xính trong màu áo nâu, áo lam với khuôn mặt rạng ngời khi được cô giáo hướng dẫn xếp hàng, tập múa hát trong ngày tựu trường năm học 2013-2014. Không giấu niềm vui, sư cô Huệ Hướng nói: “Tôi thất học, nhưng các cháu phải biết chữ!”.

Vốn là trẻ mồ côi, không được học hành, nên khi đón nhận những mảnh đời bất hạnh về nuôi dưỡng, sư cô tâm niệm phải cho bọn trẻ học chữ để mở mang tri thức, trở thành người tốt, có ích cho đời. Sư cô Huệ Hướng đã liên hệ với các trường học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh để các em được đến trường. Không chỉ vỗ về bằng tình cảm, sư cô còn dành những phần thưởng vật chất xứng đáng động viên các cháu nỗ lực vươn lên trong học tập. Ngoài những món quà như máy vi tính, xe máy để các cháu có phương tiện học tập tốt hơn, sư cô còn tự tay đo, may tấm áo tràng, áo vạt cho các em khi năm học mới bắt đầu. Giá trị món quà không lớn nhưng đong đầy tình yêu thương, cầu mong các em khôn lớn thành người. “Mỗi đứa trẻ được nhặt về có hoàn cảnh khác nhau, nên lấy ngày 1-1 dương lịch - ngày mở đầu một năm mới - để làm sinh nhật chung”, Sư cô Huệ Hướng nhớ lại. Hiện nay, lớp học dành cho trẻ mẫu giáo đã được mở trong khuôn viên chùa, nơi ở của người lớn tuổi đã được cải thiện nhưng làm gì để chăm lo tốt hơn cuộc sống của hơn 200 cụ già, cũng như việc học hành, vui chơi của các bé vẫn còn là nỗi lo canh cánh của sư cô Huệ Hướng - một tu sĩ bình dị nhưng mang cả một tâm nguyện lớn lao, vừa tu tập vừa cứu giúp cho đời, xứng đáng là một trong 17 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho xã hội được Nhà nước vinh danh Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Bản lĩnh người lính trinh sát

Trung uý Y Phan (bìa phải) trao đổi công việc với đồng đội.
Trung uý Y Phan (bìa phải) trao đổi công việc với đồng đội.

Bước qua tuổi 29, trung úy Y Phan Hwing công tác tại Đội phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm theo tuyến, địa bàn, thuộc phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) khá chững chạc. Khác với hình dung về cảnh sát hình sự, trung úy Y Phan thân thiện, cởi mở, nụ cười luôn thường trực trên môi. Anh nói: “Cười cho công việc bớt căng thẳng. Không ít người thường trêu lính trinh sát chơi nhiều hơn làm. Điều này chẳng ngoa, chơi nhưng được việc. Lính trinh sát phải tự tìm việc làm, rất ít khi ngồi ở cơ quan mà hay rong ruổi ngoài đường, có khi phải ngồi ngoài nắng mấy giờ liền”. Thời gian làm việc của trinh sát hình sự không kể ngày đêm, mưa nắng hay lễ, tết. Nhiều khi bưng chén cơm lên chưa kịp ăn, có điện thoại lại phải lao đi ngay. Gần 8 năm gắn bó với nghiệp trinh sát, không ít lần tính mạng trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” song với Y Phan mỗi vụ án là một trải nghiệm khó quên. Hơn một năm đã trôi qua, nhưng đồng nghiệp của Y Phan vẫn chưa quên vụ truy bắt đối tượng bị truy nã ở huyện Ea Kar. Bằng biện pháp nghiệp vụ nhận định đối tượng đang lẩn trốn ở xã Ea Toh (huyện Krông Năng), lập tức trung úy Y Phan và một số anh em trong Đội giả trang về địa phương thâm nhập nắm bắt tình hình. Sau nhiều ngày điều tra, xác định đối tượng cùng người yêu lẩn trốn ở nhà người quen, Y Phan và đồng nghiệp lên phương án vây bắt. Khi ập vào nhà tìm không thấy,Y Phan quyết định leo lên gác, đối tượng với con dao lăm lăm trên tay đâm bừa vào anh rồi vùng chạy ra vườn tiêu cách nhà khoảng 100m. Biết đối tượng bị nhiễm HIV, nhưng Y Phan không ngại nguy hiểm, lập tức đuổi bắt, nhanh chóng khóa tay đối tượng tra vào còng.

Mỗi khi vụ án chưa tìm ra kẻ thủ ác, trung úy Y Phan như bị ám ảnh, day dứt. Còn nhớ, tháng 5-2011, bé Nguyễn Thị Quỳnh Hương (sinh năm 1996) ở thôn Tân Hà I (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) bị sát hại dã man. Vụ án gần như đi vào ngõ cụt vì không tìm thấy bất cứ đầu mối nào, mãi 7 tháng sau (12-2011), một chủ rẫy cà phê ở cách nơi xảy ra vụ án khoảng 7 km phát hiện mùi hôi bốc lên từ giếng nước. Hình ảnh bé gái 6 tuổi bị hại cứ ám ảnh trung úy Phan mỗi bữa ăn và cả trong giấc ngủ. Hơn 10 ngày ròng rã tìm kiếm manh mối, phân loại đối tượng, cuối cùng cũng tìm ra kẻ gây án. Lúc này, trung úy Phan mới thấy trong lòng thanh thản, không còn cảm giác mắc nợ nạn nhân. Trung úy Y Phan chia sẻ: “Tội phạm hình sự, tội phạm ma túy ngày càng liều, lì lợm, ngoan cố chống trả khi bị vây bắt. Vì vậy, ngoài nắm vững nghiệp vụ, lính trinh sát cần phải rèn luyện kỹ năng “mềm”, quan trọng là luôn giữ vững bản lĩnh. Trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tôi rất tâm đắc 2 điều: “Đối với công việc phải tận tụy” và “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.

Nguyên Hoa – Ngọc Nở


Ý kiến bạn đọc