Giữ mãi "ngọn lửa" yêu thương trong gia đình trẻ
Gia đình Việt Nam nói chung và gia đình trẻ nói riêng đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, là tế bào đặc biệt quan trọng của xã hội. Trong suốt cuộc đời mỗi người, gia đình luôn là điểm tựa, là cội nguồn tình cảm, là cái nôi của sự bình yên, là môi trường quan trọng hình thành nhân cách và giáo dục nếp sống cho con người. Gia đình trẻ với tư cách là giai đoạn đầu tiên, cực kỳ quan trọng trong suốt chặng đường phát triển của cuộc sống gia đình. Đây là thời kỳ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các giai đoạn phát triển tiếp theo của gia đình. Thế nhưng, việc gia đình không hạnh phúc, “ông ăn chả, bà ăn nem” và rồi dẫn đến ly hôn đang là tình trạng tiềm ẩn để chờ “cơ hội” là xuất hiện trong mọi gia đình, từ thành thị đến nông thôn, từ giới trí thức đến lao động phổ thông, từ văn nghệ sĩ đến công chức nhà nước, nhất là trong khoảng thời gian 5 năm đầu của hôn nhân… Vậy đâu là nguyên nhân?
Có người nói rằng hiện nay giới trẻ quá “tự do” nên “yêu nhanh, cưới vội” thì tất yếu là “sớm… ra tòa”; tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp cả hai người đã có khoảng thời gian dài để tìm hiểu và hiểu rõ về người bạn đời của mình nhưng vẫn không hạnh phúc. Họ không lường trước được rằng cuộc sống gia đình có nhiều điều phức tạp, đòi hỏi mỗi thành viên phải tự điều chỉnh bản thân để làm hài hòa cuộc sống gia đình, chứ không phải chỉ cần tình yêu là có thể khiến cho cuộc sống toàn màu hồng. Khi yêu nhau, người ta thường cố gắng thể hiện những mặt tốt nhất của mình và làm tất cả mọi thứ để đối tượng của mình hài lòng, những “cái xấu” cũng thường nhanh chóng được bỏ qua. Nhưng khi chung sống với nhau dưới một mái nhà của hôn nhân, tính nết của mỗi con người mới được bộc lộ đầy đủ. Khi hai người yêu nhau, họ tìm thấy sự tương đồng, nhưng khi lấy nhau, họ mới nhận ra rất nhiều điểm khác biệt. Cùng lúc đó, họ lại phải đối mặt với vấn đề “cơm – áo – gạo – tiền”, đối nội, đối ngoại, việc cơ quan, việc nhà cửa, chăm sóc con cái… cùng với tâm lý, đã là vợ chồng cần gì phải câu nệ, ta cứ theo thói quen, sở thích của ta, và cứ thế những chuyện nhỏ nhặt được tích tụ thành những mâu thuẫn, nếu không kịp thời hóa giải, sẽ dẫn đến hậu quả cuối cùng của cuộc hôn nhân không trọn vẹn.
Hôn nhân tan vỡ, người trong cuộc tuy là đã “tự giải thoái” cho mình khỏi một cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, nhưng thử hỏi có ai khi ra tòa ly hôn mà cảm thấy hạnh phúc không! Chắc chắn là không, trong lòng sẽ trĩu nặng nỗi đau khổ, thậm chí là oán hận “kẻ” đã không đem đến hạnh phúc cho mình. Không những thế, cuộc chia tay còn làm ảnh hưởng đến gia đình hai bên và ảnh hưởng đến xã hội. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, khi tế bào không “khỏe” thì xã hội bị ảnh hưởng nhiều mặt. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Do đó các bạn trẻ trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về hôn nhân, chuẩn bị cho mình tâm lý “mình phải thay đổi mình” (thay đổi thói quen, sở thích, một vài mối quan hệ xã hội… nếu nó không phù hợp với cuộc sống gia đình), chứ đừng tâm niệm “mình sẽ thay đổi được người ấy” và một điều quan trọng khác là cần biết chia sẻ với nhau trong cuộc sống, để xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững.
Xuân Giang
Ý kiến bạn đọc