Hệ lụy từ việc "khoán trắng" phương tiện vận tải
Thực chất của cơ chế “khoán trắng” phương tiện cho lái xe là toàn bộ hoạt động của phương tiện do lái xe điều hành, quản lý, sửa chữa, hằng tháng chủ DN, HTX vận tải thu một khoản tiền làm dịch vụ để cho phương tiện đó mang thương hiệu của mình (gọi là xe “bán” thương hiệu). Nói đúng hơn là DN, HTX chỉ đứng ra lo thủ tục pháp lý cho xe hoạt động còn việc kinh doanh vận tải đều do chủ xe thực hiện. Thậm chí, khi tai nạn xảy ra thì chủ phương tiện cũng là người chịu trách nhiệm. Do đó, các chủ xe khi được hợp thức hóa để hoạt động thì “mạnh ai nấy làm”, cuối cùng hành khách là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đây chính là căn nguyên dẫn đến tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, vì lợi ích trước mắt của một số lái xe, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hành khách trên xe và cho chính bản thân người cầm lái. Trên thực tế, qua việc gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe khách, chỉ cần thông qua máy chủ, DN, HTX vận tải có thể giám sát phương tiện, hành trình chạy xe của tài xế, từ đó dễ dàng phát hiện các lỗi vi phạm. Tuy nhiên, các DN, HTX vận tải vẫn chưa quan tâm đến công tác này, việc nhắc nhở, kiểm điểm các lái xe vi phạm chưa được chú trọng. Mặt khác, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay có nhiều nội dung chưa chặt chẽ, không quy định về số lượng đầu xe của DN, HTX nên dịch vụ vận tải phát triển nhanh về số lượng, trong đó một số DN chỉ có từ 1 đến 3 xe dẫn đến khó quản lý, dễ vi phạm, nhất là tình trạng xe chạy dù, trốn thuế. Tại Dak Lak, kết quả kiểm tra của Đoàn số 5 (Bộ GTVT) hồi tháng 9-2013 cho thấy, có đến 3/5 đơn vị “khoán trắng” phương tiện cho chủ xe tự quản lý, điều hành, sửa chữa (chiếm 60% số đơn vị kiểm tra). Mới đây nhất Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng tiến hành thanh tra 5 đơn vị vận tải, trong đó có 1/5 đơn vị thực hiện “khoán trắng” phương tiện cho lái xe.
Để hạn chế những tồn tại, bất cập do quy mô vận tải manh mún, nhỏ lẻ, xe “bán” thương hiệu, đặc biệt tình trạng chủ DN vận tải chỉ là chỗ để xe tư nhân “núp bóng”, qua mặt lực lượng chức năng, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy định chặt chẽ hơn trong việc thành lập DN vận tải, như số lượng đầu xe tối thiểu của mỗi DN, HTX khi xin cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải, trách nhiệm của DN khi có xe mang thương hiệu của mình gây tai nạn giao thông v.v…
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc