Những nỗ lực thầm lặng của đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn ở huyện Krông Bông
Anh Lê Văn Nhép (ở thôn 6, xã Hòa Sơn) tham gia công tác y tế thôn từ năm 2000. Khi ấy phần lớn người dân vẫn còn theo quan niệm cũ, một số người khi ốm đau vẫn còn mời thầy cúng, chưa biết chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai cũng như nuôi con nhỏ… Anh đã phối hợp cùng các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi họp thôn, hoặc thông qua những buổi lao động công ích để tuyên truyền cho người dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Đến nay 100% người dân thôn 6, xã Hòa Sơn đều đến Trạm Y tế khám chữa bệnh; các gia đình đã ý thức được lợi ích của việc cho trẻ uống vitamin A, tiêm chủng nên tham gia rất đầy đủ. Phụ nữ mang thai đều thực hiện khám thai định kỳ, uống viên sắt và tiêm phòng uốn ván, không có trường hợp sinh tại nhà. Có tới 90% trẻ sinh ra được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 trở đi mới bắt đầu cho trẻ ăn dặm với đầy đủ các nhóm chất…
Cũng như anh Lê Văn Nhép, chị Vũ Thị Tằm, cộng tác viên y tế thôn 4, xã Hòa Phong đã gắn bó với công tác y tế thôn từ năm 2000. Trước đây trên địa bàn thôn không có bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu mà chỉ có 4 tháng, nên trung bình cứ 30 trẻ thì có 6 trẻ bị suy dinh dưỡng. Thậm chí chỉ có 10% nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu nên tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi trong thôn luôn ở mức cao. Cùng với những nỗ lực của chính quyền, đoàn thể, chị Tằm không ngại khó, ngại khổ để đến từng nhà vận động, hướng dẫn người dân thay đổi và từ bỏ những thói quen cũ, như: không lao động nặng khi mang thai, không cho trẻ ăn dặm sớm, không cho trẻ uống nước trong thời gian trẻ đang bú mẹ hoàn toàn… Nhờ đó hiện nay tại thôn 4 phụ nữ mang thai đã không lao động nặng, sau sinh không đi làm sớm; nhiều bà mẹ đã thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; trong thôn không có trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng…
Anh Lê Văn Nhép (bìa trái), cộng tác viên y tế thôn 6, xã Hòa Sơn trong một lần thăm hộ gia đình. |
Còn rất nhiều những cộng tác viên vẫn đang thầm lặng đóng góp công sức của mình cho công tác y tế ở thôn, buôn như: chị Hoàng Thị Dương (cộng tác viên y tế thôn Noh Prông, xã Hòa Phong) với thôn có gần 2.000 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, có những tập quán sinh hoạt cũ… nhưng chị đã vận động thành công hơn 80% bà mẹ trong thôn có thai tự giác đi khám thai định kỳ, không lao động nặng nhọc và khi chuyển dạ đều do cán bộ y tế đỡ. Đặc biệt, phần lớn tại các hộ gia đình, các thành viên như: chồng, bố mẹ chồng đều tạo điều kiện cho người phụ nữ khi mang thai cũng như khi sinh con được nghỉ ngơi hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng cho cả mẹ và con… Chỉ trong vòng một năm chị đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trong thôn từ 50 trẻ xuống còn 30 trẻ. Hoặc anh Sùng Minh Sơn (ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui) cũng là một tuyên truyền viên điển hình. Xuất thân từ một gia đình nghèo, anh hiểu cái khổ của người phụ nữ Mông khi mang thai vẫn phải lao động nặng nhọc, nếu đến cơ sở y tế phải được sự đồng ý và quyết định của người chồng trong gia đình, còn trẻ em phần lớn chưa được quan tâm chăm sóc sức khỏe đúng mức, nhất là tiêm chủng để phòng bệnh… Vì thế anh Sơn đã quyết định gắn bó với công tác tuyên truyền với hy vọng sẽ góp một phần nhỏ bé của mình vào việc thay đổi nhận thức của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng, từ đó từng bước cải thiện sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, nhất là bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số…
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông khẳng định: “Cộng tác viên y tế thôn buôn có vai trò rất quan trọng trong công tác vận động nhân dân ở tuyến cơ sở về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và vùng đồng bào dân tộc di cư từ phía Bắc vào. Nhờ sự năng động, nhiệt tình của đội ngũ y tế thôn, buôn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe… đến nay các thói quen sinh hoạt lạc hậu của người dân đã dần thay đổi, kiến thức về chăm sóc sức khỏe đã được nâng lên, khi ốm đau đã đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Tỷ lệ phụ nữ sinh tại nhà đã giảm đáng kể, phụ nữ khi sinh được cán bộ y tế đỡ đã tăng từ 82,0% (năm 2010) lên 91,5% (năm 2013); tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của toàn huyện cũng đã giảm từ 29,1% xuống còn 28,5%...”.
Hương Xuân
Ý kiến bạn đọc