Multimedia Đọc Báo in

Tập trung nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ

08:55, 05/03/2014

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ. Nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh NGUYỄN THỊ LỘC đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak xung quanh vấn đề này.

* Đói nghèo là rào cản lớn nhất trong tiến trình thực hiện bình đẳng và phát triển. Vậy bà có thể cho biết, thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã triển khai những hoạt động gì để giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế?  

1
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Lộc

Để xây dựng một xã hội bình đẳng và phát triển, trước hết phải tạo điều kiện cho phụ nữ làm chủ cuộc sống của mình. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai các phong trào hoạt động, Hội LHPN tỉnh luôn chú trọng nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”. Hoạt động này ngày càng được đổi mới thiết thực, hiệu quả trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái, coi trọng hiệu quả, tính bền vững, tập trung ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và phụ nữ ở 19 xã nghèo của tỉnh.

Hằng năm, các cấp hội khảo sát, phân loại hộ nghèo, xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ, hội viên giúp nhau thoát nghèo bằng nhiều hình thức, biện pháp như hỗ trợ vốn, kiến thức, kinh nghiệm. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh tại vùng đặc thù có đông chị em là người dân tộc - tôn giáo gồm: dệt thổ cẩm, chăn nuôi bò chất lượng cao, liên kết trồng cà phê, sản xuất thực phẩm sạch, gian hàng sạch… Việc khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cũng được Hội tăng cường; đến nay số dư nợ ở các ngân hàng đã hơn 1.036 tỷ đồng, giải quyết cho 63.085 hội viên vay. Đồng thời, Hội cũng chú trọng huy động nguồn lực trong hội viên thông qua mô hình tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”… thu được gần 24 tỷ đồng, giúp trên 9.000 lượt hội viên khó khăn. Để chị em phát huy hiệu quả đồng vốn, Hội tập trung phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quản lý và sử dụng vốn vay, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn… Nhờ vậy, trong năm 2013, Hội đã giúp 928 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo.

* Hội LHPN các cấp đã góp sức như thế nào trong việc thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ, thưa bà?

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các cấp Hội LHPN đã nỗ lực không ngừng trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội mang lại những kết quả thiết thực. Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; tham mưu, đề xuất những vấn đề liên quan tới quyền lợi của phụ nữ, nhất là công tác cán bộ nữ với cấp ủy, chính quyền, hướng đến mục tiêu bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Bên cạnh đó, chú trọng tham mưu cho cấp ủy Đảng đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đưa quan điểm bình đẳng giới vào các lĩnh vực hoạch định chính sách, vào nghị quyết, chủ trương của Đảng, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia quản lý nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhờ vậy, nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được nâng lên, tạo bước chuyển biến rõ rệt về công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị. Điều này thể hiện rất rõ qua công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ nữ. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 33,3%, nữ đại biểu HĐND tỉnh đạt 27%, cấp huyện đạt 23,07%, cấp cơ sở đạt 19,93%.

1
Lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong các buổi sinh hoạt Hội góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng của hội viên phụ nữ

*Theo bà, để xây dựng được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, người phụ nữ cần phải làm gì?

Trước hết phụ nữ cần phải nâng cao năng lực hoạt động trên các lĩnh vực được giao, tích cực thi đua lao động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tranh thủ mọi điều kiện để được trang bị và tự trang bị các kiến thức xã hội, khoa học - kỹ thuật, nắm bắt thông tin và thời cơ vươn lên để tự khẳng định mình. Bên cạnh đó, chị em cần chú trọng trau dồi đạo đức, giữ gìn và phát huy phẩm chất của phụ nữ Việt Nam, gia đình Việt Nam, làm tốt công tác giáo dục con em trong gia đình, tổ chức cuộc sống gia đình; kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực gia đình… Hơn thế nữa, chị em cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, tham gia làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”...

2
Đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm giúp phụ nữ cải thiện cuộc sống

* Nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8-3 năm nay, Hội LHPN tỉnh đã triển khai những hoạt động gì, thưa bà?

Nhân kỷ niệm 104 năm Quốc tế phụ nữ  (8-3-1910 - 8-3-2014) và 1974 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ cơ sở tổ chức Liên hoan “Tiếng hát ru - hát dân ca” và các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm tạo “sân chơi” để chị em thể hiện tài năng, trí tuệ, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và nâng đời sống tinh thần. Đồng thời, các cấp Hội đều tổ chức ôn lại truyền thống Ngày Quốc tế phụ nữ gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, cán bộ Hội các cấp tập trung đổi mới lề lối làm việc, tích cực hướng về cơ sở, tham gia các buổi sinh hoạt của chi hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hội viên, hướng dẫn cách thức tổ chức sinh hoạt hội, quản lý hội viên.

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phát động phong trào “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, cụ thể là vận động cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp đóng góp từ 5.000 - 100.000 đồng/người/tháng để xây dựng quỹ tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo; duy trì và nhân rộng mô hình “Hũ gạo, heo đất tiết kiệm”; đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới.  

*Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Xuân (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.