Nan giải tình trạng sinh con thứ ba ở xã Cư M'gar
Gia đình anh Y Khun Niê và chị H’Ven Êban cũng ở buôn Trắp, cưới nhau năm 2000; hiện tại anh chị đã có với nhau 3 đứa con. Anh Y Khun chia sẻ: Khi mới sinh 2 đứa con, mặc dù gia đình chỉ có 1 sào đất trồng lúa nhưng vợ anh chăm chỉ làm thuê nên thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, năm 2013 khi vợ chồng anh sinh thêm đứa con thứ ba, cháu bị bệnh tim bẩm sinh nên gia đình phải đi vay gần 100 triệu đồng để chạy chữa cho cháu ở TP. Hồ Chí Minh. Từ đó kinh tế gia đình anh lâm vào cảnh túng thiếu. Hiện tại, ngoài việc lo chuyện ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, vợ chồng anh Y Khun phải “đầu tắt, mặt tối” làm việc để có tiền trả nợ.
Do đông con, nhà nghèo nên nhiều trẻ em ở xã Cư M'gar phải lao động ngoài đồng từ nhỏ. |
Xã Cư M’gar hiện có 1.834 hộ, với 8.368 nhâu khẩu sinh sống ở 14 thôn, buôn (có 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ); trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 68,78%. Theo số liệu thống kê của Ban Dân số-KHHGĐ xã, năm 2012 có 29 trẻ là con thứ ba trở lên, chiếm 15,34% tổng số trẻ được sinh ra; năm 2013 có 36 trẻ là con thứ ba, chiếm 21% (cao hơn mặt bằng chung của huyện Cư M’gar là 2,91%, của tỉnh là 5,45%). Tình trạng sinh con thứ ba trở lên xảy ra ở tất cả các thôn, buôn; trong đó một số buôn có số con thứ ba cao như: buôn Trắp (6 trẻ), buôn Dhung (6 trẻ), buôn Huk (5 trẻ)…; bên cạnh đó còn có 6 cặp vợ chồng tảo hôn. Từ đầu năm 2014 đến nay, xã cũng đã có 10 trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên.
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đã tác động không nhỏ đến chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống của người dân ở xã Cư M’gar. Toàn xã còn 543 hộ nghèo và cận nghèo (trong đó có 296 hộ nghèo), tập trung chủ yếu ở những gia đình sinh đông con; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao là 27,3%, thể cân nặng là 17,7%...
Nhiều năm qua, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở xã Cư M’gar đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số-KHHGĐ bằng nhiều hình thức như: treo băng-rôn, tranh cổ động; tổ chức mít tinh, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ… Đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên dân số thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đặc biệt tập trung vào cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con, vị thành niên, thanh niên để tư vấn, vận động KHHGĐ và tuyên truyền phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa cải thiện được tình trạng sinh con thứ ba ở địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí thấp, nhận thức về KHHGĐ của một bộ phận người dân còn hạn chế; phong tục cưới hỏi, sinh đẻ lạc hậu vẫn tồn tại. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Ban Dân số và các ban, đoàn thể ở xã còn thiếu sự đồng bộ nên chưa mang lại hiệu quả cao. Chị H’Thúy Ayun, chuyên trách dân số xã Cư M’gar cho biết: “Đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn có quan niệm lạc hậu, với suy nghĩ “sinh đông con cho nhiều của”. Vì vậy bà con thờ ơ, thiếu quan tâm đến việc sử dụng các biện pháp tránh thai đúng cách và hiệu quả, nên vẫn mang thai…”.
Thiết nghĩ, để giải bài toán về tình trạng sinh con thứ ba trên địa bàn xã Cư M’gar cần có sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện quyết liệt hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của các ban, đoàn thể ở địa phương trong công tác dân số-KHHGĐ, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên.
Yên Lương
Ý kiến bạn đọc