Multimedia Đọc Báo in

Thắp sáng ước mơ hoàn lương

16:27, 31/05/2014

Giúp đỡ thanh niên chậm tiến, lầm lỡ vượt qua mặc cảm, tự ti để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội là một việc làm thiết thực được Đoàn phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện có hiệu quả trong những năm qua. Nhiều thanh thiếu niên cá biệt sau cai nghiện đã hoàn lương, hòa nhập cuộc sống cộng đồng, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình..  

Vượt qua lầm lỗi làm lại cuộc đời

Trong số những thanh, thiếu niên lầm lỗi giờ đã tiến bộ, hòa nhập cộng đồng tại phường Thành Công, có lẽ Nguyễn Thị Ngọc Bích là một trường hợp đặc biệt hơn cả. Từng có tiền án về tội mua bán, tàng trữ chất ma túy, những tưởng cánh cửa tương lai đóng sầm trước mặt, nhưng với nghị lực và ước muốn làm lại từ đầu, em đã vượt qua mặc cảm, tự ti để làm lại cuộc đời. Sau khi chấp hành án phạt tù, em trở về cuộc sống đời thường với muôn vàn khó khăn khi mẹ “đi” thêm bước nữa, đặt gánh nặng nuôi hai đứa em nhỏ đang tuổi ăn học lên đôi vai của Bích.

Nắm bắt được hoàn cảnh của Bích, Ban chấp hành Đoàn phường Thành Công đã gặp gỡ, động viên, giúp đỡ em đứng dậy sau lầm lỗi. Với những cố gắng không mệt mỏi của các anh chị đoàn viên, thanh niên, dần dần Bích cởi mở hơn, em đã tâm sự, hối lỗi về việc làm trái pháp luật của mình trong quá khứ và mạnh dạn bày tỏ mong ước có một số vốn để mua chiếc xe bán bánh mì kiếm tiền nuôi hai em nhỏ đang ăn học (lớp 4 và 8). Với quyết tâm không để Bích vì cuộc sống khó khăn mà quay lại con đường cũ, Đoàn phường đã vận động các đoàn viên, thanh niên đóng góp được 1,8 triệu đồng và kiến nghị lên Thành Đoàn hỗ trợ 4 triệu đồng, UBMTTQ phường hỗ trợ em thêm 5 triệu đồng. Từ số vốn này, Bích đã đầu tư mua một chiếc xe bán bánh mì và một xe bán nước mía để khi trời mưa thì bán bánh mì, mùa nắng bán nước mía. Không chỉ hỗ trợ vật chất, cán bộ Đoàn phường còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên tinh thần để Bích vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Học nghề miễn phí tại cơ sở nhôm kính Thiên Phúc.
Học nghề miễn phí tại cơ sở nhôm kính Thiên Phúc.

“Khi mới ra tù, em rất nhiều tự ti, lại thêm những ánh mắt kỳ thị của không ít người xung quanh khiến em e ngại mỗi khi ra đường hay tiếp xúc với mọi người. Thế nhưng khi được sự động viên, giúp đỡ của các anh chị đoàn viên em đã tự tin đứng dậy sau vấp ngã. Bây giờ, với hai chiếc xe này, trung bình mỗi ngày em cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng, số tiền này vừa đủ chi phí ăn uống, sinh hoạt cho 3 chị em. Em sẽ cố gắng sống thật tốt và có ích để không phụ lòng các cô bác, anh chị” - Bích tâm sự. Được biết, vì không có nhà cửa, hiện nay cả 3 chị em đang được người cậu cho ở nhờ trong một căn phòng nhỏ chừng 7m2, mọi sinh hoạt hằng ngày đều ở trong căn phòng này. Do đó, Bích càng phải cố gắng hơn nữa để kiếm tiền lo cho cuộc sống của 3 chị em sau này.

Tổ chức Đoàn đồng hành cùng thanh, thiếu niên lầm lỗi hòa nhập cộng đồng

Giúp đỡ người lầm lỗi sống có ích không chỉ đối với bản thân, gia đình họ mà còn góp phần bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Việc làm này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên trì, nhẫn nại với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bởi thực tế cho thấy các đối tượng này rất ngại tiếp xúc. Và khi đã tiếp cận được thì làm sao để các em cởi mở, chia sẻ thì yếu tố quan trọng hàng đầu là cần phải tạo được niềm tin cho họ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội LHTN - Bí thư Đoàn phường Thành Công cho biết: những năm qua, Đoàn phường đã giúp đỡ, cảm hóa nhiều thanh thiếu niên hư, chậm tiến hòa nhập cộng đồng bằng hình thức hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, giới thiệu học nghề miễn phí hoặc tìm việc làm để họ có nguồn thu nhập ổn định, bởi phần lớn thanh, thiếu niên sai phạm đều nằm trong hoàn cảnh ít được cha mẹ quan tâm, gia đình đổ vỡ, bản thân lại không có nghề nghiệp ổn định, bị bạn bè xấu lôi kéo... Đối với những trường hợp này, sau khi cải tạo, các em thường mặc cảm với xã hội nên nếu bị xa lánh sẽ sớm quay trở lại con đường phạm pháp. Còn nếu được cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng thì các em sẽ trở thành người có ích.

Điển hình là trường hợp của em Võ Đức Anh. Bố mẹ ly dị, Đức Anh về sống với bố, vì thiếu sự giáo dục, chăm lo của gia đình nên em sớm bỏ học (từ năm lớp 8), suốt ngày chơi bời ở các tiệm game. Một lần vì bị nhóm thanh niên khác xin đểu, Đức Anh đã giải quyết bằng “nắm đấm”. Với tội danh cố ý gây thương tích, em bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương. Để kịp thời định hướng cho em tránh con đường phạm pháp trong thời gian giáo dục tại cộng đồng, Đoàn phường đã vận động Đức Anh theo học nghề miễn phí tại cơ sở nhôm kính Thiên Phúc do anh Nguyễn Trương Tuấn, Phó Bí thư chi Đoàn khối 1 (phường Thành Công) làm chủ. Được biết, gần 2 năm nay, cơ sở của anh Tuấn đã nhận 3 thanh niên hư vào học nghề miễn phí, trong đó có 2 thanh niên đã ra nghề và một thanh niên mới đến học việc được hơn 2 tháng. Theo anh Tuấn, hầu hết các thanh niên này khi mới đến học nghề đều rất khó bảo, nhưng với sự uốn nắn, chỉ bảo tận tình của anh, các em ngày càng sống tình cảm và biết chịu khó học hỏi. Tâm niệm của anh Tuấn là không chỉ dạy nghề mà làm sao dạy các em sống có ích mới là điều cần thiết.

Cùng với việc cảm hóa, tạo điều kiện để các em có nghề nghiệp, việc làm ổn định, Đoàn phường Thành Công còn thường xuyên tổ chức các  buổi gặp mặt, giao lưu, dã ngoại để tạo niềm tin, gây thiện cảm với những thanh, thiếu niên "khó bảo", để  từ đó các em sống cởi mở, ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Để công tác này đạt hiệu quả và ngày càng nhân rộng, đòi hỏi phải có nguồn lực, nhưng hiện nay, Đoàn phường chỉ có thể chia sẻ những khó khăn, nắm bắt tâm tư các em rồi đứng ra giới thiệu học nghề hoặc hỗ trợ, bảo lãnh cho đối tượng vay một số vốn nhỏ để làm ăn. Do đó, để tạo điều kiện tốt nhất giúp thanh, thiếu niên chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng, cần thiết phải có sự phối hợp của các ngành, đơn vị và gia đình các em, có như vậy mới mang lại hiệu quả cao nhất - chị Trinh chia sẻ thêm.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.