Multimedia Đọc Báo in

Dân bức xúc vì thi công tỉnh lộ 8 không có hệ thống thoát nước

09:53, 23/06/2014

Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ (TL) 8 qua địa bàn huyện Cư M’gar đã góp phần giúp việc đi lại của người dân địa phương được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nên công trình sắp hoàn thành nhưng không có hệ thống thoát nước đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Chủ trương nâng cấp, mở rộng TL8 được phê duyệt từ năm 2010 đoạn từ km8 – km13+393, do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức trên 142,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế đường cấp III khu vực đô thị, bằng bê tông xi măng, lòng đường rộng 14m, vỉa hè mỗi bên rộng 8m, riêng đoạn qua thị trấn Ea Pôk vỉa hè rộng 18m. Theo hợp đồng thi công, đến cuối năm 2013 Dự án sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do địa phương chậm trễ trong công tác GPMB nên đến nửa năm 2014, nhà thầu vẫn đang ì ạch thi công.

Riêng tại vị trí km12+543 đã có cống ngang cũ và mương dẫn nước chảy ra suối, hiện tại được thay thế bằng cống mới lớn hơn, nhưng không phát huy được tác dụng do không có đường dẫn để thoát nước. Toàn bộ nước mưa chủ yếu chảy trên mặt đường xuống các hố ga, tràn qua các đường nhánh, vào nhà dân dọc tuyến mà không thể thoát theo hệ thống thoát nước như hồ sơ thiết kế của công trình. Hiện tại, dọc tuyến đường, đoạn qua thị trấn Ea Pôk và xã Quảng Tiến chỉ có các hố ga nhỏ trong lòng đường sát vỉa hè, không đủ để khối lượng nước lớn. Hơn thế, nhiều đoạn trên tuyến mặt đường cao hơn nhà dân nên khi mưa đến là nước đổ dồn vào nhà. Thêm vào đó, các hố ga vốn đã nhỏ lại không được duy tu, bảo dưỡng nên thường xuyên bị bịt kín bởi đất đá, rác thải…

Người dân dọc tuyến phải xây bờ chắn nước vào nhà.
Người dân dọc tuyến phải xây bờ chắn nước vào nhà.

Chị N.T.T ở thôn 6, thị trấn Ea Pôk bức xúc: Chỉ cần một trận mưa nhỏ là bao nhiêu bùn đất, rác thải theo dòng nước tràn vào nhà. Trước kia, chiếc cống cũ ở đây tuy nhỏ nhưng không bao giờ xuất hiện tình trạng nước ngoài đường tràn vào nhà, vào ngõ như thế này. Khi TL8 được nâng cấp, người ta cho làm cống mới, to hơn cống cũ, nhưng do chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lên phần đường mương thoát nước trước đó, nên hộ dân này đã đào cống bỏ đi, đổ đất lấp dòng chảy dẫn tới cống mới không có chỗ thoát nước, nên có cống mới cũng như không. Chỉ mới mưa nhỏ thôi, chứ mưa lớn chắc sẽ xảy ra lụt… Còn ông P.T.T, thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến cho biết, hiện tại để tránh tình trạng nước mưa đổ đồn vào nhà, các hộ dân dọc 2 bên tuyến đường phải mua gạch, xi măng xây bờ chắn. Vào mùa mưa, mạnh ai nấy chắn, nước tràn vào nhà ai, nhà đó chịu, khi nào nước lớn quá, bờ bị vỡ thì đưa bao cát, đá hộc ra kè. Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo xã cho rằng, chỉ có vài hộ ảnh hưởng thôi, còn chuyện người dân bức xúc thì cần có đơn kiến nghị mới giải quyết. Thực tế, tình trạng này đã xảy ra từ trước đó, năm 2013, một số hộ dân thôn 6, thị trấn Ea Pôk đã gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư phản ánh: việc thi công TL8 đoạn qua khu dân cư do chưa có cống rãnh thoát nước nên mỗi khi mưa, nước không thoát được đã tràn vào nhà dân, vào các đường nhánh làm đường lô xói mòn, gây ngập úng, ảnh hưởng đến hoa màu và đời sống của người dân.

Còn về phía chủ đầu tư, ông Lục Văn Toại, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cho hay: qua đơn kiến nghị của các hộ dân, Sở đã tổ chức đi kiểm tra thực tế và khẳng định các nội dung trình bày trong đơn hoàn toàn đúng với thực tế. Để tạm thời giải quyết khi mùa mưa đến, Ban đã có đề nghị thay đổi thiết kế thi công và chỉ định nhà thầu mở một số đường dẫn nước vào các khe suối tự nhiên để giảm lượng nước đổ vào nhà dân và các đường nhánh. Đồng thời, có văn bản kiến nghị UBND huyện Cư M’gar phối hợp giải quyết, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư tiếp tục thi công công trình.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.